MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Sếp lớn" ADB đánh giá Việt Nam tăng trưởng GDP 5,7% là tích cực

Anh Kiệt LDO | 06/10/2023 19:24

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP đạt được mức 5,6 - 5,7% vẫn là nền tảng tốt, tích cực để tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo.

Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,8% trong năm nay, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Để đạt được con số mục tiêu 6%, ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng ADB tại Việt Nam - đánh giá, GDP quý IV sẽ cần trên 10%, đây là mong muốn rất cao.

"Có rất nhiều rủi ro chúng ta phải đối mặt từ phía bên ngoài, từ những bất ổn do xung đột địa chính trị, lạm phát tăng cao, thắt chặt chính sách tiền tệ ở các nước… nằm ngoài tầm kiểm soát và khó dự báo. Tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng kể cả không đạt được 5,8% hay 6%, chỉ ở 5,6 - 5,7% cũng là nền tảng tốt, tích cực để tăng trưởng cao hơn trong những năm tiếp theo" - ông Chakraborty nói.

Lãnh đạo ADB đánh giá cao những phản ứng chính sách chủ động của Chính phủ trong thời gian qua nhằm cân bằng ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy đầu tư công. Các chính sách kinh tế vĩ mô bao gồm các biện pháp tài chính và tiền tệ. Cho đến nay, Chính phủ đã đi đúng hướng và kịp thời.

Góp ý về những động lực thúc đẩy kinh tế trong quý cuối năm, ông Shantanu Chakraborty đề xuất cần tập trung thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Bởi yếu tố này nằm trong tầm kiểm soát và phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ. Đồng thời, cũng cần giải pháp tài khóa mạnh mẽ, trong đó tăng tốc độ giải ngân đầu tư công. Dù giải ngân đầu tư công hiện đạt 51% là mức khá cao nhưng vẫn chưa đủ so với mục tiêu đặt ra.

Bên cạnh đó, lạm phát và tỉ giá đang được kiểm soát tốt. Chính phủ vì thế có dư địa lớn trong điều chính sách tài khóa và tiền tệ để đảm bảo nguồn cung tiền hiệu quả đưa vào nền kinh tế.

"Những "lỗ hổng", thiếu hụt về hạ tầng hiện nay còn lớn, các khoản ODA còn hạn chế… Vì vậy, Việt Nam cần huy động hơn nữa nguồn lực từ khu vực tư nhân cho hạ tầng, nhất là hạ tầng có khả năng chống chịu với sự biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần cải tổ về chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân" - ông Shantanu Chakraborty đánh giá.

Đối với tính bền vững về trung và dài hạn, việc xanh hóa nền kinh tế tập trung nhiều vào thích ứng với biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng. Việt Nam cần bảo đảm giá trị các khoản đầu tư và tập trung vào tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, xanh hóa nền kinh tế. Điều này có thể không đem lại lợi ích tức thời trong 3 tháng tới nhưng sẽ là lợi ích trung và dài hạn để đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn