MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor. Ảnh: FPT

Sếp lớn tại FPT tự tin kỹ sư người Việt làm về bán dẫn tương đối tốt

Đức Mạnh LDO | 15/10/2023 13:06

Ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor - đánh giá xét về mặt bằng chung làm kỹ thuật, người Việt Nam không thua kém trên thế giới. Có nhiều người gốc Việt thành công ở mảng bán dẫn vi mạch nổi tiếng.

Khát nhân lực ngành chip bán dẫn

Theo lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm, ngành công nghiệp bán dẫn cần 10.000 kỹ sư nhưng Việt Nam mới chỉ đáp ứng được dưới 20%. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn.

Theo công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến tăng 1,65 tỉ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, tương ứng tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm.

Những năm qua, một số tập đoàn lớn của thế giới đã đầu tư sản xuất chip bán dẫn tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys. Mặc dù các nhà máy bán dẫn ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài nhưng rào cản lớn nhất hiện nay đối với ngành là thiếu lao động có tay nghề cao.

Do đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực đang rất được quan tâm. Trước câu hỏi tham gia vào quá trình đào tạo 30.000 - 50.000 chuyên gia bán dẫn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành, Tập đoàn FPT sẽ dạy chương trình gì, ông Nguyễn Vinh Quang - Giám đốc FPT Semiconductor (công ty phát triển chip bán dẫn của Tập đoàn FPT) - cho biết, FPT Semicondutor là đầu ra nhưng cách định hướng giáo dục của FPT khá đặc biệt.

"FPT nhận sẽ đào tạo 10.000 nhân sự đến năm 2030. Trong đó, có 1/3 làm ở Việt Nam, 2/3 có chương trình riêng đào tạo ở nước ngoài hoặc đưa chương trình ở nước ngoài về dạy. Các bạn có cơ hội ra nước ngoài làm việc. Trước đây, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đã từng làm. Mọi người sẽ về Việt Nam xây dựng ngành này" - ông nói.

Bên cạnh đó, FPT sẽ đưa chương trình học xuống cả bậc cao đẳng. Các công ty đóng gói đều cần kỹ sư bậc cao. Cao đẳng FPT Polytechnic đào tạo theo định hướng trên để có thêm nhân lực. Đồng thời, các kỹ sư FPT sang Nhật, Mỹ làm việc để học hỏi kinh nghiệm để có thể làm được các dòng chip cao cấp hơn.

Việt Nam đang gấp rút đào tạo nhân lực trong ngành vi mạch, bán dẫn với mục tiêu 30.000 - 50.000 nhân sự. Ảnh: AFP

Nhiều người gốc Việt thành công ở mảng bán dẫn vi mạch

Ông Nguyễn Vinh Quang đánh giá xét về mặt bằng chung làm kỹ thuật, người Việt Nam không thua kém trên thế giới.

"Có nhiều người gốc Việt thành công ở mảng bán dẫn vi mạch nổi tiếng. Ví dụ, cô Ngô Duy Loan, cô Nguyễn Thị Yến… đều là phụ nữ gốc Việt nổi tiếng. Hay anh Lê Hạnh Phúc thành công và giữ vị trí quan trọng. Ở Nhật, cũng có nhiều giáo sư người Việt nổi tiếng trong ngành bán dẫn. Kỹ sư người Việt làm về bán dẫn tương đối tốt" - ông Quang cho biết.

"Trên thực tế, từ nhiều năm trước, chiếc chip quan trọng nhất trong chiếc DVD Player là do một công ty Việt Nam sản xuất, một đội ngũ toàn bộ là người Việt Nam. Điều khác biệt là họ ngồi ở Mỹ. Chính chúng tôi cũng đã hợp tác với họ để làm phần mềm bằng đội ngũ ở Việt Nam" - ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ FPT - cho hay.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động về khoảng cách phát triển giữa chip của FPT so với trên thế giới khi "thế giới đã sản xuất được chip 1.000 chân, chúng ta mới sản xuất được 8 chân", ông Quang cho biết chip có nhiều loại nên có các đặc điểm khác nhau.

"Ví dụ như dòng chip của Nvidia bây giờ bán ra cực kỳ đắt tuy nhiên số lượng chân cũng chưa nhiều. Họ bán với giá 40.000 USD, một số bán với giá khoảng 10.000 USD mà không mua được, phải đặt hàng.

Về công nghệ, kỹ sư Việt Nam và kỹ sư FPT có thể sang Nhật, Mỹ để học hỏi kinh nghiệm và làm được các loại chip cao cấp hơn. Tuy nhiên, FPT đang lựa chọn đi theo hướng sản xuất chip nguồn bởi sản phẩm phải thương mại được, chứ không phải làm xong rồi đem trưng bày" - ông Quang lý giải.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn