MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sếp Vietcombank nói gì về việc chia cổ tức 8% bằng tiền hay cổ phiếu?

Lan Hương LDO | 28/06/2020 16:30

Cổ tức là câu chuyện nóng tại mùa Đại hội cổ đông. Đại diện lãnh đạo Vietcombank đã chia sẻ thông tin về tỉ lệ chia cổ tức năm nay, tỉ lệ bao nợ xấu của Vietcombank và các rủi ro khi cho vay dự án BT và BOT.

Vietcombank chi trả cổ tức bao nhiêu?

Một trong những vấn đề mà các cổ đông đặc biệt quan tâm là phương án chi trả cổ tức.

Theo phương án phân phối lợi nhuận 2019, việc chi trả cổ tức 8% vốn điều lệ, tức là 800 đồng/cổ phiếu. Mức trả cổ tức 8% đã được nghị quyết tại ĐHĐCĐ lần thứ 12 năm 2019 phê duyệt.

Tại Đại hội cổ đông 2020, đại diện lãnh đạo Vietcombank cho biết đang trình Ngân hàng nhà nước (chủ sở hữu vốn) và lấy ý kiến Bộ Tài chính về phương án phân phối lợi nhuận. Do đó, phương án trình ĐHCĐ phê duyệt về nguyên tắc rồi Hội đồng quản trị sẽ phân phối theo quy định pháp luật và theo ý kiến NHNN.

Có hai phương án: một là trả cổ tức bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu, hai là không trả mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận phục vụ sản xuất kinh doanh. Nếu không trả cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt mà giữ lại lợi nhuận để tăng vốn cho Vietcombank thì lợi nhuận để lại sẽ là hơn 13.000 tỉ. Kết quả cuối cùng sẽ do NHNN phê duyệt.

Tỉ lệ bao nợ xấu vượt quy định Ngân hàng nhà nước?

Trả lời câu hỏi “Việc Vietcombank trích lập dự phòng và bao nợ xấu với tỉ lệ cao như vậy có đúng với Thông tư 02 của Ngân hàng nhà nước không?”.

Đại hội đồng cổ đông Vietcombank 2020. Ảnh: L.Hương

Ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết: “Dự phòng phải trích của Vietcombank hiện nay là trên 12.400 tỉ đồng. Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính yêu cầu trích lập cho khoản nợ xấu từ nhóm 2 đến nhóm 5. Quỹ dự phòng nợ xấu của Vietcombank lên tới 16.700 tỉ đồng. Như vậy Vietcombank hiện trích lập dư ra khoản 4.300 tỉ đồng. 

Thời điểm hiện tại vẫn trong năm tài chính. Vì vậy, trích lập dự phòng của Vietcombank có dư thì vẫn trong năm tài chính. Đến cuối năm, theo quy định, số dự phòng phải trích và số dự phòng trích phải cân nhau.

Câu hỏi đặt ra tiếp là vậy số dự phòng dư thì trong thời gian tới sẽ ra sao? Hiện tỉ lệ nợ xấu của Vietcombank là 0,82% nhưng với diễn biến dịch COVID-19 thì nợ xấu dự kiến sẽ lên tới 1,5%. Ban lãnh đạo sẽ quyết liệt để quản trị tỉ lệ nợ xấu thấp hơn 1,5%. Chúng tôi dự phòng cho khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai".

Rủi ro từ cho vay BT và BOT

Một trong những vấn đề nóng là dư nợ cho vay của Vietcombank tại các dự án BT và BOT của Vietcombank là bao nhiêu và phương án thu hồi vốn như thế nào đối với các dự án không đạt doanh thu?

Ông Nghiêm Xuân Thành cho biết, dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu, tác động lớn đến chất lượng hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng tài trợ vốn cho các dự án BT và BOT.

Dư nợ cho vay BT và BOT của Vietcombank hiện là 15.000 tỉ đồng, chiếm 25% trên tổng dư nợ. Hiện Vietcombank cho vay tập trung vào 4 dự án BT và BOT được Bộ giao thông vận tải xếp vào nằm trong 10 dự án BT và BOT tốt nhất. Các dự án này có doanh thu theo phương án tài chính mà vẫn đảm bảo.

"Có dự án định hướng thu là 16 năm nhưng thực tế 8 năm đã thu hồi vốn. Vậy nên dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng các dự án này vẫn đảm bảo dòng tiền và phương án trả nợ. Không có dự án nào phải đặt lên bàn phải cơ cấu lại theo ảnh hưởng bởi dịch COVID-19", ông Nghiêm Xuân Thành nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn