MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Shipper Nguyễn Ngọc Vinh chia sẻ cùng phóng viên. Ảnh C.N

Shipper ngao ngán khi giá xăng dầu tăng 6 lần liên tiếp

ANH TUẤN LDO | 07/09/2023 09:48

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, với việc giá xăng dầu - nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế có dấu hiệu tăng liên tiếp thì phải cẩn trọng theo dõi chặt chẽ lạm phát. Vì nếu lạm phát tăng mạnh sẽ tác động đến chính sách tiền tệ, tạo sức ép lên cuộc sống của người dân cũng như hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp.

Giá xăng tăng, shipper mệt mỏi

Chạy được 2 chuyến giao đồ ăn, anh Nguyễn Ngọc Vinh (quê Phú Thọ), shipper của một ứng dụng giao đồ ăn tấp xe vào một quán bún chả trên phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đợi đơn hàng kế tiếp. Vinh cho biết, 2 tháng qua, giá xăng tăng liên tiếp nhưng phí giao hàng vẫn giữ mức cũ khiến thu nhập của người giao hàng giảm sút đáng kể.

“Với anh em shipper, chúng tôi mong muốn làm sao để giá xăng duy trì ở mức vừa phải hoặc cơ quan chức năng có giải pháp kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu để người lao động như chúng tôi bớt khó khăn.

Một ngày giao hàng, shipper như tôi kiếm được khoảng 200.000 đồng tiền lời nhưng giá xăng “ngốn” tới 50.000 đồng thì không được bao nhiêu. Trong khi những chi phí sinh hoạt như điện, nước, tiền nhà trọ cũng tăng cao khiến việc cân bằng chi tiêu trong gia đình phải tính toán lại” - anh Vinh nói.

Cùng cảnh ngộ với Vinh, shipper Nguyễn Văn Thành (26 tuổi, Tây Mỗ, Hà Nội) cho biết, xăng tăng, giá gas tăng, vật giá tăng nhưng thu nhập lại giảm sút. Nếu trước đây đổ đầy bình xăng tốn khoảng 100.000 đồng, anh Thành có thể chạy được hơn 2 ngày nhưng giờ trong vòng một ngày là hết sạch, hôm nào giao hàng nhiều đôi khi còn bị thiếu.

"Ban ngày tôi giao đồ ăn, tối đến phải làm thêm bảo vệ mới đủ sống chứ làm shipper giờ kiếm được chừng 150.000-200.000 đồng/ngày thì ít lắm, không đủ trang trải cuộc sống" - anh Thành bộc bạch.

Cần theo dõi lạm phát

Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ ngày 5.9, giá xăng bán lẻ tiếp tục tăng từ 140 - 270 đồng/lít, đưa xăng RON 95 lên 24.870 đồng/lít bán lẻ. Tính từ đầu năm, đây là lần thứ 6 liên tiếp, giá xăng dầu trong nước tăng.

Trong kỳ điều hành lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, cơ quan điều hành không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hoả, chỉ chi Quỹ bình ổn mặt hàng dầu mazut.

Lý giải về nguyên nhân tăng giá, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21.8 đến ngày 4.9) chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Cụ thể, dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh và lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn do Nga đang có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu và việc Arab Saudi được dự đoán sẽ gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày, bổ sung vào mức cắt giảm của OPEC+…

Theo cơ quan quản lý, các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu có biến động tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là tăng. Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá là 103,2 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 0,48 USD/thùng, tương đương tăng 0,47% so với kỳ trước); 109,1 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 0,74 USD/thùng, tương đương tăng 0,69% so với kỳ trước).

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng) - cho biết, dù giá xăng chưa tăng tương tự thời kỳ cao nhất của năm 2022 nhưng vẫn phải theo dõi sát biến số này.

Vì giá xăng tăng cao, chi phí đẩy sẽ gây ra lạm phát do năng lượng là nguyên liệu đầu vào cho hầu hết các ngành trong nền kinh tế. Trong khi đó, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài.

"Khi giá xăng dầu tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước, ảnh hưởng đến việc phát triển quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, điều này rất dễ kích hoạt lạm phát khiến cho việc điều hành kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ trở nên khó khăn hơn" - ông Thắng nói.

Còn TS Phạm Thế Anh - giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội - nhận định, hiện nay các biến số về năng lượng, giá lương thực thực phẩm và giá xăng dầu là nhân tố tiềm ẩn khiến lạm phát tăng. Do vậy, cần phải theo dõi chặt chẽ biến số này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn