MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chốt chặn ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Thanh Chung

Siết chặt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo sản xuất

H.V.M-Thanh Chung LDO | 04/08/2020 11:41
Ngoài 4 KCN tại Đà Nẵng có ảnh hưởng trực tiếp dịch COVID-19 khi có công nhân nhiễm bệnh, đến nay Quảng Nam cũng có trường hợp công nhân mắc COVID-19 tại KCN Điện Nam, Điện Ngọc. Tuy vậy, hầu hết các bệnh nhân này đều có lý lịch dịch tễ liên quan đến người thân - bệnh nhân nằm tại Bệnh viện Đà Nẵng. Việc phong tỏa, cách ly đã lập tức được thực hiện, các KCN cũng đồng thời siết chặt công tác phòng chống dịch, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp khác.

Doanh nghiệp vẫn sản xuất bình thường

Như Lao Động đã thông tin, đến thời điểm này, Đà Nẵng có 4 công nhân thuộc 4 doanh nghiệp khác nhau cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, rải đều ở cả 4 khu công nghiệp là Hòa Khánh, An Đồn (KCN Đà Nẵng), KCN Dịch vụ thủy sản Thọ Quang và Hòa Cầm. Ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng - cho hay, trong số 4 doanh nghiệp có công nhân mắc COVID-19, hiện mới chỉ có Công ty (Cty) Kane-M tạm dừng hoạt động từ ngày 31.7 để triển khai các biện phòng chống dịch. Ba công ty còn lại tạm thời vẫn hoạt động bình thường.

Tại Quảng Nam, sau khi ca nhiễm SARS-CoV-2 thứ 614 được phát hiện là là một quản đốc trong công ty, tiếp xúc với khoảng 400 người trong phân xưởng, Công đoàn tỉnh Quảng Nam đã lập tức vào cuộc, cùng với chính quyền, ngành Y tế địa phương vận động những người tiếp xúc đến các cơ sở y tế gần nhất để khai báo và phun khử khuẩn đối với phân xưởng này.

Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam phát thông báo khẩn truy tìm những người tiếp xúc với bệnh nhân 614 (tên L.T.T.N, ngụ đường Lê Văn Hiến, TP.Đà Nẵng). Bệnh nhân (BN) 614 là Quản đốc phân xưởng B, Cty Giày Rieker ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), trực tiếp quản lý 8 dây chuyền với khoảng 400 công nhân. Từ ngày 17.7 đến lúc 8h15 ngày 28.7, BN 614 thường xuyên đi làm tại Cty. Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 thị xã Điện Bàn đã thông báo cho 400 người cùng phân xưởng với chị N và làm việc tại các dây chuyền do chị N quản lý ở công ty này liên hệ ngay với trạm y tế gần nhất để khai báo và được hỗ trợ. Cho đến thời điểm này, Cty giày Rieker mới cho nghỉ 1 bộ phận liên quan, còn lại vẫn hoạt động bình thường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở Đà Nẵng, mấy ngày qua, mạng xã hội xuất hiện rất nhiều ý kiến kêu gọi, đề xuất cho toàn bộ người lao động ở các khu công nghiệp nghỉ làm việc để tự cách ly ở nhà 14 ngày. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Lao Động chiều ngày 3.8, ông Nguyễn Duy Minh - Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đà Nẵng - nói rằng, đến thời điểm này, Chính phủ và Thành phố Đà Nẵng chưa có chủ trương về việc cho người lao động ở các khu công nghiệp nghỉ việc để phòng chống dịch cho nên các doanh nghiệp vẫn sản xuất bình thường. Về một số doanh nghiệp có người lao động dương tính với virus SARS-CoV-2, cũng như một số đơn vị không có nhiều đơn hàng hoặc đơn hàng gấp trong thời điểm này thì có thể tạm ngừng, hoặc phân ca, giãn giờ làm để giữ chân người lao động trong khi chờ xử lý dịch hoặc đơn hàng mới. “Chống dịch là mặt trận ưu tiên hàng đầu, nhưng một mặt trận khác cũng quan trọng không kém là “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng như đời sống, việc làm trước mắt và lâu dài của hơn 73 nghìn lao động” - ông Minh nói. 

Cân đối nguồn lực hỗ trợ người lao động

Trước đó, trong Chỉ thị ngày 1.8 của Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng về quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND Thành phố - Huỳnh Đức Thơ - yêu cầu Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp có kế hoạch giãn tiến độ sản xuất, kinh doanh phù hợp và có kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 nghiêm túc theo quy định.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Minh, ngay từ khi có thông tin về ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng, đặc biệt một số trường hợp là công nhân bị lây nhiễm nói trên, Công đoàn đã vào cuộc khẩn trương vận động các doanh nghiệp tổ chức, quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của thành phố, của Bộ Y tế về phòng chống dịch. Các doanh nghiệp đã tiến hành phun khử khuẩn, khai từ khai y tế, tổ chức làm việc giãn cách, đo thân nhiệt, bịt khẩu trang, xịt khuẩn, rửa tay, giữ khoảng cách trong làm việc cũng như lúc ăn ca, chia nhỏ các bữa ăn ca... theo khuyến cáo của Bộ Y tế để làm sao bảo đảm tối đa sự an toàn cho người lao động.

Ngoài các biện pháp bảo vệ an toàn cho người lao động, LĐLĐ Thành phố Đà Nẵng còn yêu cầu các cấp Công đoàn chủ động sử dụng nguồn kinh phí của mình để trang bị thêm khẩu trang, nước diệt khuẩn và các phương tiên bảo vệ an toàn khác để trang cấp cho người lao động. Đồng thời, có báo cáo số liệu về những người lao động bị ảnh hưởng, bị mất việc, ngưng việc... để LĐLĐ thành phố cân đối nguồn lực hỗ trợ cho người lao động như đợt dịch trước.

Theo ông Nguyễn Kỳ Vĩnh - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Quảng Nam, ngay khi có thông tin về ca nhiễm ở phân xưởng đã ngay lập tức cho nghỉ vào ngày thứ 6 (31.7) và trong 2 ngày này phun sát khuẩn. Dây chuyền được làm độc lập nên ngay khi nghỉ, đã yêu cầu công ty lấy lại danh sách gửi Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Quảng và yêu cầu công nhân về cơ quan địa phương để khai báo y tế. Đối với các phân xưởng khác và các Cty ở KCN vẫn hoạt động bình thường nhưng phải sát khuẩn, đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn