MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều quy định chặt chẽ kiểm soát thử nghiệm vay ngang hàng. Ảnh: Đ.T

Siết chặt kiểm soát thử nghiệm cho vay ngang hàng

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 23/05/2022 10:30

Đề xuất về cơ chế thử nghiệm cho vay ngang hàng, Ngân hàng Nhà nước cấm việc nhân sự quản lý, điều hành công ty cho vay ngang hàng không được đồng thời là chủ sở hữu, nhân sự quản lý, điều hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, kinh doanh đa cấp, là chủ các dây hụi, họ hoặc đang làm trong lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến trung gian thanh toán, ví điện tử. 

Nhiều công ty lợi dụng vay ngang hàng

Trong số báo ngày 21.5, Báo Lao Động đã phản ánh về tình trạng những trang web dạng vay tiền trực tuyến được cho là đang “núp bóng” mô hình cho vay ngang hàng để hoạt động. Nhiều công ty dưới mác dịch vụ tư vấn tài chính đã lập ra các web vay tiền hoặc liên kết với công ty làm dịch vụ cấp tín dụng để cho vay với lãi suất “cắt cổ”.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian gần đây, một số công ty lấy danh nghĩa mô hình vay ngang hàng (P2P Lending) lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao “cắt cổ”, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. 

Một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending (công ty  P2P Lending và nhà đầu tư, công ty P2P Lending và bên thứ ba, công ty P2P Lending và khách hàng vay…) thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay, nên có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.

Để giải quyết vấn đề trên, vào đầu tháng 4, trong dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, một trong những hình thức được Ngân hàng Nhà nước cho phép tham gia là cơ chế cho vay ngang hàng. 

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước nêu rõ công ty cho vay ngang hàng phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định thử nghiệm Fintech, các quy định pháp luật có liên quan và nội dung tại Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm; chịu trách nhiệm đối với mọi hoạt động trong quá trình vận hành, triển khai thử nghiệm giải pháp cho vay ngang hàng. 

Nhiều quy định siết chặt 

Đồng thời, công ty cho vay ngang hàng trong quá trình tham gia Cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hành vi bao gồm: Cung cấp biện pháp bảo đảm tiền vay; Cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động đầu tư cổ phiếu và các hoạt động mang tính rủi ro cao khác; Sử dụng trái phép nguồn tiền từ khách hàng; Các nhân sự sáng lập, quản lý điều hành tham gia vay, cho vay và là bên bảo đảm hoặc bảo lãnh qua giải pháp Fintech do mình vận hành, lợi dụng ưu thế quản lý, điều hành làm thay đổi các thông tin qua giải pháp Fintech, thực hiện hành vi lừa đảo, gian lận, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Đặc biệt nhân sự quản lý, điều hành công ty cho vay ngang hàng không được đồng thời là chủ sở hữu, nhân sự quản lý, điều hành của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, kinh doanh đa cấp, là chủ các dây hụi, họ hoặc đang làm trong lĩnh vực ngân hàng, kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến trung gian thanh toán, ví điện tử.

Trong bản hồ sơ đăng ký tham gia thử nghiệm gửi Ngân hàng Nhà nước, công ty phải trình kế hoạch, phương án và triển khai các biện pháp phòng ngừa, quản lý và xử lý các rủi ro, quy định, quy trình về nhận biết, định danh khách hàng (KYC)...

Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế tài chính, P2P Lending sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các địa bàn mà hệ thống tài chính chưa phát triển, người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính-ngân hàng với chi phí thấp, ít thủ tục.

Ông Lực cũng cho rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho vay ngang hàng cũng là hết sức quan trọng. Điều này sẽ khắc phục những rủi ro hiện tại như sự phân định trách nhiệm giữa các bên; khi bên vay không trả được nợ, và/hoặc công ty P2P dùng tiền đầu tư sai mục đích, quản lý kém hoặc phá sản dẫn đến khả năng mất một phần vốn của nhà đầu tư.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có hành lang pháp lý sẽ giúp cho thị trường cho vay ngang hàng (P2P Lending) được kiểm soát, tránh các hoạt động biến tướng, gây hệ lụy xấu cho xã hội, gây mất uy tín cho hình thức cho vay này. Trước đó, theo chuyên gia, bản chất mô hình P2P Lending tốt, song do chưa có hành lang pháp lý điều chỉnh nên dễ bị lạm dụng, biến tướng núp bóng P2P Lending đẩy mạnh cho vay tín dụng đen khiến cho các công ty P2P Lending hoạt động đúng nghĩa bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, nhiều app cho vay online núp bóng P2P Lending không hề kết nối trực tiếp tới các nhà đầu tư với người vay, mà sử dụng tiền của mình để cho vay với lãi suất cắt cổ, gây ra nhiều hệ lụy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn