MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các vị trí vàng trên một con phố ở Hà Nội đều được chủ nhà treo biển cho thuê từ lâu nhưng chưa tìm được khách thuê. Ảnh: Minh Ngọc

"Siết thuế" cho thuê nhà, văn phòng: Chọn thời điểm phù hợp để hài hòa

Cao Nguyên LDO | 17/05/2021 13:00

Vừa qua 2 cục thuế Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có những động thái nhằm quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, cho thuê văn phòng. Tuy nhiên, trong thời điểm dịch COVID-19 khiến việc kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn thì việc siết thuế này cần phải tính toán kỹ để làm sao hài hòa lợi ích được các bên.

Nhiều chiêu thức lách nộp thuế

Ngày nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, có những người có cuộc sống sung túc hơn, thậm chí được gọi là "đại gia" vì cùng lúc sở hữu nhiều căn nhà. Họ cho thuê nhà ở, văn phòng làm kinh doanh,... trong khi đó, số thuế thu được từ hoạt động kinh doanh này lại không phản ánh đúng thực tế khiến Nhà nước thất thu.

Theo Điều 4 Thông tư 92/2015/TT - BTC, cá nhân cho thuê nhà mà có tổng doanh thu trong năm lớn hơn 100 triệu đồng thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.

Pháp luật quy định rõ như vậy, nhưng việc trốn thuế xảy ra ở nhiều hình thức khác nhau. Chiêu thức trốn thuế chủ yếu là chủ nhà thông đồng với khách thuê để không làm hợp đồng thuê. Ví dụ, có những căn nhà cho thuê với giá 16 triệu đồng/tháng nhưng khi kiểm tra hợp đồng thì trên hợp đồng chỉ ghi 8 triệu đồng/tháng.

Hay có những trường hợp khi bị đơn vị thuế kiểm tra, cả chủ nhà và khách đều chống chế nhận nhau làm “người nhà” cho ở nhờ không thu tiền để có thể tránh thu thuế. Hợp đồng không có, thanh toán lại bằng tiền mặt trao tay, thế nên cơ quan thuế rất khó để xử lý.

Để tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà, cơ sở lưu trú cùng với việc phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, mới đây Cục Thuế TP.Hà Nội có công văn chỉ đạo các chi cục thuế quận, huyện, thị xã tăng cường phối hợp quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà.

Trước đó, Cục Thuế TPHCM cũng đã tiến hành rà soát các hộ cho thuê nhà để quản lý thuế; đồng thời cũng đã tham mưu UBND TPHCM về phối hợp quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân cho thuê nhà. Tuy nhiên, việc này cũng dễ nảy sinh ra nhiều vấn đề. Ngoài việc có thể mang lại lợi ích cho ngân sách, nhưng cũng phải cân đối, chọn thời điểm để hài hòa với người dân đi thuê, tránh tình trạng không đạt được chính sách điều tiết của chính sách thuế.

Ghi nhận của phóng viên dọc các tuyến phố lớn của Hà Nội như Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi hay trên các khu phố cổ… trước đây vẫn sầm uất với việc kinh doanh, buôn bán. Nhưng khi dịch COVID-19 ập đến nhà hàng kinh doanh, mua bán đang thưa thớt dần.

Trên các tuyến phố lớn xuất hiện nhiều biển hiệu bán nhà, chuyển nhượng cửa hàng, cho thuê mặt bằng kinh doanh và điều này cho thấy, hoạt động nhà cho thuê ở, cho thuê kinh doanh cũng đang có dấu hiệu khó khăn, thất thu.

Đừng để người thuê “gánh” thêm chi phí

Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho biết, trong nền kinh tế thị trường, bất cứ khoản kinh doanh nào có nguồn thu đều phải chịu thuế. Đó là nguồn thu ngân sách quan trọng để chính quyền có thể trang trải cho mọi hoạt động như an sinh xã hội, phát triển hạ tầng. Quy định liên quan tới thu thuế từ nguồn kinh doanh nhà ở, văn phòng cho thuê đã là quy định bắt buộc đã có trước đó.

Ông Thịnh nói rằng, thực tế có những cá nhân có nhà, căn hộ cho thuê, nhưng cũng có những người đi vay tiền ngân hàng đầu tư để kinh doanh nhà ở, văn phòng. Vậy nên về vấn đề thu thuế của chủ nhà có căn hộ cho thuê, chủ nhà vay ngân hàng để mua là hình thức đầu tư và trong đầu tư có thắng có thua. Song về bản chất họ vẫn có hoạt động kinh doanh là cho thuê.

Cũng theo ông Thịnh, tình hình dịch bệnh kéo dài từ năm ngoái đến nay khiến thị trường cho thuê căn hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá cho thuê tuy đã giảm 10-30% nhưng nhà trống vẫn còn rất nhiều. Nếu áp dụng thuế cho thuê vào thời điểm hiện tại, chủ nhà sẽ không dám đẩy phần thuế này cho người thuê cuối để giữ khách. Nhưng khi thị trường cho thuê căn hộ khởi sắc trở lại, có thể họ sẽ cân nhắc cộng thêm phần thuế này vào giá cho thuê.

Cùng quan điểm, chuyên gia thuế TS Nguyễn Ngọc Tú cho rằng, việc đánh thuế có thể khiến người đi thuê gặp khó khăn vì chủ nhà đẩy chi phí thuế sang người đi thuê. Tình trạng dẫn tới không thực hiện việc thu thuế, và dẫn tới không đạt được tính chất điều tiết của chính sách thuế. Ông Tú nói thêm, dù dịch COVID-19 đang phức tạp, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc kiểm soát, truy thu thuế cần được thực hiện một cách chặt chẽ hơn. Chính quyền địa phương nên tổ chức vận động, tuyên truyền chủ hộ kinh doanh đăng ký tạm trú, thường trú cho khách thuê.

Luật sư Nguyễn Huy An (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, để tránh các trường hợp trốn thuế, cơ quan chức năng cần hướng dẫn các cá nhân, hộ gia đình cho thuê lập hồ sơ để đăng ký nộp thuế, kê khai thuế đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, có thể vận động các cá nhân, doanh nghiệp thuê nhà, căn hộ cung cấp thông tin hợp đồng để có căn cứ so sánh, đối chiếu, phát hiện người trốn thuế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn