MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một sản phẩm vàng miếng SJC.

SJC và câu chuyện đầu tư kém hiệu quả

Nhóm Phóng viên LDO | 27/12/2023 15:08

Kết thúc năm 2022, SJC đang dành gần 200 tỉ đồng cho danh mục đầu tư tài chính dài hạn. Thế nhưng, công ty đang phải trích lập dự phòng gần 85 tỉ đồng cho các khoản đầu tư này.

Như Lao Động đã thông tin, Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn là doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng độc quyền trong nước, với doanh thu mỗi năm lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng, thế nhưng lợi nhuận doanh nghiệp thu về lại khá khiêm tốn.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản SJC đạt 1.740 tỉ đồng, tăng thêm 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt tại công ty còn 120 tỉ đồng, tăng khoảng 30 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn 156 tỉ đồng, tăng 95 tỉ đồng.

Thế nhưng, doanh nghiệp không ghi nhận tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng, trong khi hồi đầu năm còn hơn 15 tỉ đồng. Điều này có thể là phần nguyên nhân khiến trong năm 2022, lãi tiền gửi ngân hàng của SJC chưa đến 200 triệu đồng, trong khi cùng kì năm trước đó, danh mục này đạt gần 3 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho SJC đạt 1.199 tỉ đồng, tăng hơn 30 tỉ đồng sau 12 tháng. Phần lớn là hàng hoá với 1.006 tỉ đồng (hồi đầu năm là 933 tỉ đồng). Đáng chú ý khi doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng gần 26 tỉ đồng cho số hàng hoá tồn kho này.

SJC đang phải trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư của mình. Ảnh: Chụp màn hình

Ngoài ra, SJC đang dành gần 200 tỉ đồng cho danh mục đầu tư tài chính dài hạn. Bao gồm: Đầu tư vào công ty con gần 38 tỉ đồng; Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết 26 tỉ đồng; Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác gần 133 tỉ đồng. Thế nhưng, SJC đang phải trích lập dự phòng gần 85 tỉ đồng cho các khoản đầu tư này.

Đơn cử, với các khoản đầu tư vào công ty con, SJC đang phải trích lập 100% cho khoản đầu tư hơn 6 tỉ vào CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Minh Khai; trích lập 100% cho khoản đầu tư vào CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Chợ Lớn; trích lập 100% cho khoản đầu tư vào CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Bàn Cờ.

Tương tự, với các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết – SJC đang dự phòng 100% khoản đầu tư vào Công ty Liên doanh Băng từ Sài Gòn Saindes; dự phòng 100% khoản đầu tư vào CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Đà Nẵng.

Với các khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, SJC đang dự phòng 29% cho khoản đầu tư vào Ngân hàng TMCP Việt Á; 100% khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Bất động sản Sài Gòn Châu Á; 100% khoản đầu tư vào CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Hà Nội.

Về tình hình hoạt động của các công ty con và công ty liên kết, thuyết minh báo cáo tài chính SJC thông tin thêm, Công ty Liên doanh Băng từ Sài Gòn Saindes đang hoàn tất thủ tục giải thể, CTCP Vàng bạc Đá quý SJC Chợ Lớn sẽ tiến hành giải thể hoặc phá sản khi hội đủ điều kiện. Các công ty con và công ty liên kết còn lại đang hoạt động kinh doanh bình thường, không có thay đổi lớn so với năm 2021.

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của SJC còn 195 tỉ đồng, tăng thêm hơn 40 tỉ đồng sau 12 tháng. Đáng chú ý khi nợ vay tài chính SJC có xu hướng tăng nhanh.

Cụ thể, tại thời điểm đầu năm 2022, nợ vay tài chính SJC chỉ hơn 1,3 tỉ đồng. Thế nhưng, kết thúc năm 2022, nợ vay tài chính công ty tăng lên 101,3 tỉ đồng, tương ứng tăng thêm 100 tỉ đồng trong năm vừa qua.

Tính đến thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu SJC đạt 1.544 tỉ đồng, trong đó, vốn góp của chủ sở hữu 1.359 tỉ đồng.

Kết thúc năm 2022, doanh thu SJC đạt 27.154 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế, tăng khoảng 9.465 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, báo lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 49 tỉ đồng, tăng 14%.

Tính cho giai đoạn từ năm 2015 – 2022, tổng doanh thu SJC là hơn 170.000 tỉ đồng, thế nhưng số lợi nhuận trước thuế trên sổ sách công ty chỉ đạt hơn 500 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế đưa về khoảng 400 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn