MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cổ đông Eximbank đang kỳ vọng cuộc nội chiến sớm chấm dứt. Ảnh: A.Q

SMBC chia tay, lối ra cho cuộc chiến thượng tầng ở Eximbank?

Gia Miêu LDO | 10/02/2022 14:33

SMBC đã đầu tư 225 triệu USD vào Eximbank từ hơn 14 năm trước. Tuy nhiên, đến nay khoản đầu tư của SMBC xét theo giá trị thị trường không tăng như kỳ vọng và đặc biệt là những mệt mỏi liên quan đến mâu thuẫn nội bộ tại ngân hàng này.

Hội đồng quản trị Eximbank vừa ban hành nghị quyết chấm dứt trước thời hạn Thoả thuận liên minh chiến lược ngày 27.11.2007 ký giữa Eximbank và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).

Với nghị quyết vừa được HĐQT Eximbank ban hành, thoả thuận hợp tác chiến lược giữa Eximbank và SMBC chấm dứt sau 14 năm. Tuy nhiên, SMBC hiện vẫn là cổ đông lớn nhất tại Eximbank nắm giữ 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn điều lệ.

Theo quan điểm của một số chuyên gia tài chính thì SMBC thật sự không dễ dàng khi nói lời chia tay Eximbank sau một quãng thời gian dài như vậy. Nguyên nhân chính chủ yếu là những xung đột của cuộc chiến "thượng tầng" ở Eximbank. Ba năm nay, Eximbank không thể tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên thành công vì nội bộ “lục đục”.

SMBC cũng nhiều lần nêu ý kiến với HĐQT và Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp để sớm xử lý dứt điểm các vấn đề của Eximbank. Thế nhưng, các kỳ ĐHCĐ của Eximbank đều bất thành, do tỷ lệ cổ đông tham dự không đủ để đại hội có thể diễn ra nên các vấn đề kiến nghị của SMBC không được giải quyết.

Chính vì cuộc chiến quyền lực bị kéo dai dẳng cho đến nay vẫn chưa có hồi kết nên cổ đông chiến lược nước ngoài của ngân hàng này đã dường như quá mệt mỏi và tìm hướng đi mới. Trên thực tế, sự ra đi của SMBC đã được nói nhiều kể từ sau khi vào thời điểm tháng 4.2021 ghi nhận sự kiện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng ký thỏa thuận bán 49% cổ phần của Công ty Tài chính FE Credit cho Công ty Tài chính tiêu dùng SMBC (một công ty con của tập đoàn SMBC – Sumitomo Mitsui Banking Corporation Nhật Bản) với giá trị 1,37 tỉ đô la Mỹ. 

Và với giới tài chính, sự ra đi của SMBC sẽ là lối ra cho câu chuyện rắm rối ở thượng tầng Eximbank. Vì theo luật định trong ngành ngân hàng Việt Nam, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng. Điều đó có nghĩa nếu tham gia đầu tư vào VPbank, SMBC phải thoái vốn khỏi Eximbank. Vấn đề của Eximbank tới đây, trong trường hợp SMBC ra đi, nhóm nhà đầu tư nào sẽ nhận chuyển nhượng 15% cổ phần ngân hàng?

Hiện tại, nhóm nhà đầu tư cá nhân, tổ chức có liên quan đến nhóm cổ đông của Ngân hàng Nam Á, hiện đang sở hữu chừng 37-38% cổ phần Eximbank. Nếu nhận được sự ủng hộ của SMBC họ có thể có tỷ lệ cổ phần 52-53%, đạt tỷ lệ cổ phần chi phối. Trong khi đó, tỷ lệ cổ phần Eximbank của nhóm nhà đầu tư có liên quan đến một doanh nhân phía Bắc, của nhóm nhà đầu tư liên quan đến bà Ngô Thu Thúy và quỹ VOF do VinaCapital quản lý cùng với một số pháp nhân và thể nhân nước ngoài khác khoảng trên 40%.

Ngân hàng Vietcombank còn nắm giữ 4,82% cổ phần Eximbank và đứng ở vị trí trung lập. Các cuộc thương lượng chuyển nhượng cổ phần Eximbank giữa các nhóm nhà đầu tư tiếp tục sôi động. Giờ đây nhóm nhà đầu tư hiện hữu nào nhận chuyển nhượng cổ phiếu EIB của SMBC sẽ là những cổ đông chi phối Eximbank.

Và theo dự kiến, ngày 15.2, Eximbank sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ hai. Nội dung quan trọng là bầu lại thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025. Như vậy, số cổ phần của SMBC sẽ chuyển nhượng cho ai sẽ là câu trả lời quyết định cho việc chấm dứt cuộc nội chiến dai dẳng ở Eximbank. Đó là điều mà cổ đông của ngân hàng này mong mỏi mấy năm qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn