MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sở Công Thương Hà Nội lên tiếng vụ chợ đầu mối phía Nam phong toả vì ca F0

Anh Tuấn LDO | 28/07/2021 12:54

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, trường hợp chợ đầu mối, chợ truyền thống phát hiện ca nhiễm, sẽ phải đóng cửa tạm thời và thực hiện ngay việc xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Đến khi chợ đảm bảo an toàn thì cho mở lại.

Ngày 28.7, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm, cho biết, tối 27.7, quận Hoàng Mai phát sinh 1 ca F0, là người bán trứng tại chợ đầu mối phía Nam (hay gọi là chợ Đền Lừ), do Công ty Hapro quản lý.

Cụ thể, bệnh nhân SN 1971, bị sốt từ tối 26.7. Người này đi khám tại BV Thanh Nhàn vào sáng 27.7, phát hiện dương tính SARS-CoV-2. Chính quyền đã cho phong toả, dừng hoạt động chợ đầu mối để khử khuẩn và truy vết từ 22h ngày 27.7.

Lực lượng y tế của quận và phường đã khẩn trương xét nghiệm sàng lọc những người bán hàng tại chợ, thông báo tìm những người mua hàng liên quan để kiểm tra, theo dõi", lãnh đạo quận Hoàng Mai thông tin.

Ông Tâm cũng cho hay, đây là khu vực chợ đầu mối phía Nam, có đông người mua bán, do vậy quận sẽ quyết liệt truy vết trong sáng nay.

Lối ra vào chợ đầu mối phía Nam bị phong tỏa tạm thời do có ca mắc COVID-19 là người bán trứng tại chợ. Ảnh: GĐ

Chợ đầu mối phía Nam Hà Nội là khu chợ hoạt động gần chục năm nay, nằm tại khu đô thị Đền Lừ, Hoàng Mai được nhiều tiểu thương tại Hà Nội và các tỉnh gần xa biết đến.

Tại chợ có các mặt hàng tương đối đa dạng cho tiểu thương tìm kiếm nguồn hàng kinh doanh như rau củ quả, thực phẩm hay thủy, hải sản… Trước thời điểm xảy ra dịch bệnh, khu chợ này mở cửa khá sớm, các tiểu thương thường đổ về đây trước 2h sáng để lấy hàng. Hàng nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối phía Nam được đánh giá là có chất lượng tốt.

Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, trường hợp chợ truyền thống phát hiện ca nhiễm, sẽ phải đóng cửa tạm thời và thực hiện ngay việc xử lý dịch tễ, khoanh vùng dập dịch. Đến khi chợ đảm bảo an toàn thì cho mở lại.

Còn nếu chưa đảm bảo các yếu tố dịch tễ thì chợ chưa được phép mở cửa trở lại, thay vào đó, thành phố sẽ bố trí các điểm bán hàng lưu động.

Theo bà Lan, do các phương án phòng dịch tại chợ được kích hoạt nên khi có một chợ đóng cửa, việc phân luồng hàng hoá vẫn đảm bảo, nguồn cung hàng vẫn đầy đủ.

"Quan trọng nhất là Hà Nội đã chủ động, sẵn sàng nguồn cung của các hệ thống hệ thống phân phối từ nhiều tháng nay. Khi có biến động, Hà Nội vẫn đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cho người dân", bà Lan nói với Lao Động.

Theo bà Lan, Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hoá theo 3 cấp độ. Khi dịch bệnh tăng cao, nhu cầu mua sắm tăng mạnh, hàng hoá có khả năng thiếu cục bộ, hoặc khó khăn trong vấn đề lưu thông, TP Hà Nội sẽ tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần.

Đồng thời, huy động tổng lực trong việc vận chuyển hàng hoá từ các kho hàng ngoài thành phố vào trong thành phố; sẵn sàng nhân lực chở xuyên đêm hàng hoá vào trong các kho nội thành, sẵn sàng tăng giờ mở cửa. Nếu cần biện pháp cao hơn nữa sẽ kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn