MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

"So găng" hai mã cổ phiếu HPG và HSG của các đại gia thép

Tùng Thư LDO | 12/08/2021 14:58

Xét về doanh thu và lợi nhuận thì HPG (Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát) bỏ xa HSG (Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen). Tuy nhiên, cổ phiếu HSG lại đang có mức định giá (P/E) hấp dẫn hơn HPG.

Nửa đầu năm 2021 thị trường chứng khoán chứng kiến sự bứt phá của nhóm cổ phiếu thép nhờ giá thép tăng.

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), biên lợi nhuận của các công ty thép đã đạt đỉnh vào quý II. Kịch bản là giá sản phẩm sẽ bình ổn quanh mức hiện tại, đồng thời mức giảm giá bán có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

Ngoài ra, triển vọng lợi nhuận ngành thép nửa cuối năm 2021 còn gặp trở ngại do nhu cầu tiêu thụ thép giảm vì yếu tố mùa vụ và dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội khiến cho hoạt động xây dựng bị đình trệ.

HPG: Chờ điều chỉnh về vùng giá hợp lý

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II được công bố, HPG đạt doanh thu thu 35,4 nghìn tỉ đồng - tăng 71,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 254,4% - đạt 9,7 nghìn tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận mảng thép đạt 9,4 nghìn tỉ đồng trong quý II (sản lượng 2,1 triệu tấn thép thô), tương ứng với biên lợi nhuận 4,5 triệu đồng/tấn thép, tăng 36,4% so với mức 3,3 triệu đồng/tấn trong quý I/2021 nhờ giá HRC và giá thép thành phẩm tăng cao.

Tuy nhiên, tốc độ tiêu thụ thép và bán hàng của HPG đang có dấu hiệu chậm lại. Tiêu thụ thép của HPG giảm dần từ mức 839 nghìn tấn trong tháng 3 xuống 538 nghìn tấn trong tháng 6. Ngoài ra, trong báo cáo tài chính quý II, hàng tồn kho của HPG tiếp tục tăng mạnh lên 39,9 nghìn tỉ đồng - tăng gần 44% so với quý liền trước. Trong đó nguyên vật liệu là 18,8 nghìn tỉ đồng (tăng 29,7% so với quý trước) và thành phẩm-hàng hóa là 10 nghìn tỉ, tăng 55% so với quý I.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG đã đạt 66,9 nghìn tỉ đồng doanh thu và 16,7 nghìn tỉ đồng lãi sau thuế. Với kế hoạch doanh thu 120 nghìn tỉ đồng và LNST 18 nghìn tỉ đồng, HPG đã hoàn thành 55,8% kế hoạch doanh thu và 92,8% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, triển vọng nửa cuối năm 2021 của HPG đang gặp trở ngại. Bên cạnh những lực cản như nhu cầu nội địa giảm do COVID-19 diễn biến khó lường, giá thép thành phẩm có xu hướng giảm thì mảng xuất khẩu của HPG có thể bị tác động tiêu cực nếu đề xuất áp thuế 5% (hiện là 0%) đối với xuất khẩu phôi thép của Bộ Tài chính được thông qua.

Về định giá, hiện thị giá của HPG được giao dịch quanh mốc 48.600 đồng/cổ phiếu (ngày 12.8.2021), tương ứng với mức định giá P/E hiện tại là 8,8x. Đây là mức định giá tương đương với P/E trung bình 5 năm của HPG (8,5x).

Theo nhận định của FiinTrade, HPG là cổ phiếu trong danh mục “Xe lu tụt dốc”. Danh mục này bao gồm những doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt nhưng cổ phiếu đang chờ đợi sự điều chỉnh về vùng định giá hợp lý.

HSG: Định giá thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 3 năm

HSG có năm tài chính bắt đầu từ ngày 1.10 nên quý III của năm tài chính 2020-2021 đối với HSG tương ứng với quý II năm 2021.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III được công bố, HSG đạt 13 nghìn tỉ doanh thu, tăng 87% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1,7 nghìn tỉ đồng, tăng 434,5% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng này chủ yếu nhờ giá bán các sản phẩm tôn thép tăng phi mã trong quý vừa qua, giúp biên lợi nhuận gộp của HSG đạt 22,8%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2017 đến nay.

Tỉ lệ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu (D/E) của HSG trong quý III đã giảm xuống 0,7. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2017 và góp phần làm giảm áp lực trả nợ của công ty.

Về định giá, cổ phiếu HSG đang được giao dịch quanh mức 38.200 đồng, tương ứng với mức P/E hiện tại là 5x. Đây là mức định giá thấp hơn rất nhiều so với mức P/E trung bình 3 năm là 11,7x.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn