MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản phẩm nước mắm Nam Ô, TP Đà Nẵng tại các trung tâm hội chợ. Ảnh: Nguyễn Linh

Số lượng sản phẩm OCOP tại Đà Nẵng chưa nhiều so với các địa phương khác

Mai Hương LDO | 08/06/2023 15:23

Dù đã tập trung phát triển các sản phẩm nhưng chương trình OCOP của Đà Nẵng vẫn còn gặp những hạn chế, khó khăn.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Báo cáo tại Hội thảo “Phát triển các sản phẩm OCOP Đà Nẵng” được tổ chức ngày 7.6 cho thấy, qua 3 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), TP Đà Nẵng đã có 64 sản phẩm OCOP.

Một điểm khác biệt về sản phẩm OCOP của Đà Nẵng là thành phố không chạy theo số lượng, thành tích, mà có sự khảo sát, đánh giá nghiêm túc trong các khâu để phân hạng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP Đà Nẵng đã thể hiện được những đặc trưng, lợi thế và phát huy giá trị cộng đồng trong sản phẩm.

Tuy nhiên, chương trình OCOP của thành phố còn gặp những hạn chế, khó khăn như: nhiều tổ chức, cá nhân chưa tiếp cận, nhận thức đầy đủ về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP; số lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các nhóm ngành, phần lớn tập trung vào nhóm thực phẩm; thiếu sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch vốn là thế mạnh của thành phố...

Dù chương trình đã góp phần nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm, tác động nhất định đến tư duy về kinh tế của các hợp tác xã và hộ kinh doanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Sản phẩm nước mắm Nam Ô được công nhận là sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng. Ảnh: Thùy Trang

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, Đà Nẵng chưa có sản phẩm thuộc nhóm du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sản phẩm làng nghề. Trong khi du lịch là mũi nhọn kinh tế, thị trường tiêu thụ bền vững cần sớm tận dụng.

Số lượng sản phẩm OCOP chưa nhiều so với các địa phương trong cả nước, các sản phẩm chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm chế biến và rau, củ, quả hạt tươi.

Số lượng sản phẩm chưa đồng đều giữa các địa phương, đến nay chỉ mới có 25/56 xã, phường có sản phẩm OCOP, chiếm 44,7% tổng số xã, phường của thành phố, vẫn còn các xã nông thôn mới Hòa Vang chưa có sản phẩm OCOP như: Hòa Tiến, Hòa Bắc. Thực tế có nhiều sản phẩm tiềm năng nhưng chưa đăng ký tham gia chương trình.

Các sản phẩm OCOP của thành phố còn ở quy mô nhỏ, chủ yếu là thị trường trong thành phố, chưa có sản phẩm chủ lực để hướng đến hội nhập toàn cầu và thể hiện sức mạnh cộng đồng, khai thác lợi thế của địa phương.

Sự tham gia của các chủ thể vào chương trình OCOP chưa chủ động, còn chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, hồ sơ đăng ký tham gia còn khá rườm rà, khó khăn cho các chủ thể, nhất là hộ kinh doanh. Chưa hình thành, phát triển những sản phẩm mới, có tiềm năng, lợi thế gắn với sức mạnh cộng đồng và nguồn nguyên liệu địa phương.

Hình thành chuỗi sản xuất

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng Nguyễn Phú Ban cho biết, chương trình OCOP tại Đà Nẵng tập trung vào việc hỗ trợ sản phẩm đi vào chiều sâu, định vị được thương hiệu địa phương để hướng tới xuất khẩu.

Sản phẩm OCOP định hướng phải mang tính chất xanh, an toàn, sinh thái. Vừa phát triển kinh tế nhưng mang tính chất xã hội, văn hóa. Bảo tồn được tính làng nghề địa phương thông qua đó tác động hai chiều đến cả du lịch.

Ngoài sản xuất, trong thương mại hóa sản phẩm, các sản phẩm OCOP phải liên kết, kết nối hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm mà ở đó phải xác định được doanh nghiệp đầu chuỗi.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng Nguyễn Phú Ban, hiện Chính phủ và TP Đà Nẵng có nhiều chính sách phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP có thương mại hóa được hay không tùy thuộc vào người mua.

Theo ông Nguyễn Phú Ban - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Đà Nẵng, chương trình OCOP tại Đà Nẵng tập trung vào việc hỗ trợ sản phẩm đi vào chiều sâu. Ảnh: Mai Hương

Ông Nguyễn Phú Ban cũng cho hay, việc các chủ thể tham gia OCOP là cách thức để chuẩn hóa sản phẩm, chuẩn hóa về thương mại, mang lại niềm tin cho khách hàng lựa chọn, tiêu thụ sản phẩm.

Sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP sẽ phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại miền Trung xây dựng sàn giao dịch không chỉ là sản phẩm OCOP, mà còn là các sản phẩm thủy sản bởi lợi thế của Đà Nẵng là có âu thuyền và cảng cá Thọ Quang với nhiều tàu cá của miền Trung mang hải sản từ biển khơi về.

Còn theo Sở Công Thương TP Đà Nẵng, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tổ chức các sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường. Đặc biệt là xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn và sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Sở Công Thương TP Đà Nẵng cũng đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn