MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chi phí sản xuất kinh doanh từ nguồn phát, đặc biệt là nhiên liệu đầu vào tăng cao khiến chi phí giá thành tăng. Ảnh: EVN

Sợ nhất là thiếu điện vì sẽ tạo ra điểm nghẽn từ sản xuất đến kinh tế

Theo Báo Chính Phủ LDO | 31/10/2023 20:53

Chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta sợ nhất là thiếu điện, vì thiếu điện sẽ tạo ra nhiều điểm nghẽn từ sản xuất đến kinh tế. Thu hút đầu tư nước ngoài vào lưới, truyền tải mà không đủ chi phí và lợi nhuận thì không bao giờ họ vào, không thể kêu gọi vì an sinh xã hội.

Giá điện cao chưa chết, nhưng mất điện mới là gay

Ngày 31.10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp”.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giá điện cần đảm bảo hài hòa hóa lợi ích các bên. Bởi, nguyên tắc giá điện là cần tính đúng tính đủ, cùng với các chính sách hỗ trợ khác cho các nhóm đối tượng.

"Do đó, cần phải xác định rõ giá điện thực tế là bao nhiêu, nếu tính thấp sẽ không thu hút đầu tư, gây nên thua lỗ và không hiệu quả. Từ đó xác định cơ chế giá điện đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn” - ông Hiếu nói.

Tọa đàm về giá điện do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức. Ảnh: VGP

Ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng để tính đúng, tính đủ thì nguyên tắc thị trường phải là chi phối và dẫn dắt. Với các nhóm thu nhập thấp, chính sách xã hội cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp và tách bạch với giá điện chung, không nên để tình trạng EVN lỗ và nguy cơ phá sản.

“Tôi đã từng nói giá điện cao chưa chết, nhưng mất điện mới là gay. Công cụ giá là công cụ cần phải được đưa ra sử dụng tích cực và hiệu quả theo thị trường. Tính đúng, tính đủ là yếu tố khách quan và dẫn dắt sự phát triển của ngành điện” - ông Thiên nói.

Phấn đấu đủ điện nhưng không thể mua cao bán thấp, giá điện phải hợp lý

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho rằng, cơ cấu điện hiện nay có nhiệt điện, thủy điện và các cơ cấu nguồn khác, trong đó rẻ nhất là thủy điện (chiếm 28%) còn lại là nguồn điện giá thành cao. Nhất là nhiệt điện nhập khẩu nguyên liệu đầu vào như: than, dầu, khí không thể có giá thấp được.

Ví dụ như giai đoạn thủy điện xuống mực nước thấp, chúng ta phải huy động nguồn giá cao để đảm bảo nhu cầu của cả nền kinh tế. Còn nếu tính đúng, khi sử dụng dầu sản xuất điện thì giá thành điện sẽ lên đến 5.800 đồng/kWh, than khoảng 2.500 - 2.800 đồng/kWh.

Chúng ta không thể mua cao - bán thấp do sự phụ thuộc nguyên liệu đầu vào nhưng với sự nỗ lực của Nhà nước, của ngành điện bù đắp về giá từ trước đến nay, chúng ta vẫn phấn đấu đủ điện cho nền kinh tế với mức giá chưa đúng, chưa đủ với giá thành.

Trong giá điện hiện nay đang được xử lý đa mục tiêu. Nếu xét về thu nhập, cần làm rõ xem hiện nay chi phí điện chiếm bao nhiêu % trong tổng thu nhập? Đây là điều các nhà hoạch định chính sách đều tính toán. Chưa kể giá điện còn phải liên quan đến việc hoạch định nhiều chính sách khác nữa.

Đối với những đối tượng yếu thế thì nhà nước có thể xem xét cách hỗ trợ khác như hỗ trợ ngoài tiền điện để mọi người dân đều có thể được sử dụng điện.

“Đúng là chúng ta sợ nhất là thiếu điện, vì thiếu điện sẽ tạo ra nhiều điểm nghẽn từ sản xuất đến kinh tế. Thu hút đầu tư nước ngoài vào lưới, truyền tải mà không đủ chi phí và lợi nhuận thì không bao giờ họ vào, không thể kêu gọi vì an sinh xã hội. Nếu không có điện đi trước một bước thì sẽ làm cho nền kinh tế khó khăn” - ông Thỏa nói.

Đồng tình, ông Hà Đăng Sơn - chuyên gia năng lượng - bày tỏ cần nhìn nhận bài toán tổng thể về giá điện với thị trường điện, khi nhiều nhà đầu tư đánh giá thị trường Việt Nam không còn là "cô gái đẹp" và không thực sự hấp dẫn.

Do đó, ông Sơn khuyến nghị cần thay đổi cơ chế chính sách, điều chỉnh luật pháp về thu hút đầu tư, trong đó đưa ra mức giá mua điện phù hợp, đủ hấp dẫn nhà đầu tư, đảm bảo việc đầu tư rủi ro thấp, gắn với an ninh năng lượng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn