MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sổ tay kinh tế: Lớn, nhưng không mạnh

NGUYỄN TRUNG HIẾU LDO | 04/06/2017 06:35
Trong vài tháng vừa qua, giá cá ngừ đại dương ở mức cao khoảng 110 ngàn/kg. Ngư dân chuyên đánh bắt sản phẩm này mừng vì lãi mỗi chuyến biển được vài trăm triệu. 

Ba tháng đầu năm 2017, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 5.846 tấn. Nguyên nhân do nghề câu cá ngừ đại dương phát triển rần rộ ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với khoảng 3.500 tàu khai thác.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ mỗi năm đều tăng ước khoảng 10-12%. Riêng năm 2016, xuất khẩu được gần 510 triệu USD. Đặc biệt Trung Quốc vươn lên thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam với kim ngạch tăng tới 67% (21 triệu USD). Trong khi đó, Nhật Bản, thị trường nhập khẩu cá ngừ ăn tươi với giá cao thì năm 2016 lại giảm 5% (19 triệu USD). Đáng buồn trong khi sản lượng tăng đều, thì kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong nhiều năm qua vẫn “ổn định” ở mức trên dưới 500 triệu USD.

Tổng cục Thủy sản, chỉ ra nguyên nhân cơ bản do công nghệ, kỹ thuật khai thác, bảo quản, thu mua còn nhiều bất cập, dù nghề câu cá ngừ đã xuất hiện và phát triển liên tục suốt 20 năm qua. Hơn hết, uy tín, thương hiệu cá ngừ Việt Nam vẫn nằm ở cấp thấp trên thị trường thế giới. Lý giải về chất lượng, giá cá giảm, ngư dân cho rằng phần lớn tàu câu cá ngừ đại dương hiện là vỏ gỗ. Việc bảo quản cá trên tàu vẫn là ướp đá với độ lạnh thấp nhất là âm 5 độ C. Trong khi đó, theo các chuyên gia, để bảo quản tốt thì độ lạnh tối thiểu phải âm 60 độ C. Với cách bảo quản như thế, những chuyến biển trung bình khoảng 1 tháng, nên chất lượng cá giảm nhiều.

Đã có nhiều mô hình, chương trình hỗ trợ ngư dân. Trong đó, nhiều chương trình giúp bảo quản cá ngừ, như khai thác, bảo quản, chế biến theo chuỗi hay các mô hình cấp đông, khai thác bảo quản của Nhật… Có thời điểm, giá cá ngừ đại dương Bình Định bảo quản theo phương pháp mới, được bán tại phiên đấu giá quốc tế đạt trung bình 1.380 yên mỗi ký (270.000 đồng/kg), giá cao nhất là 1.600 yên mỗi ký(305.000 đồng/kg). Nhưng số lượng cá không quá trên đầu ngón tay bán được ở giá này.

“Ngư dân quen kiểu làm ăn như trước đây. Trong khi liên kết chuỗi đòi hỏi phải có phương án hoạt động, ăn chia… phức tạp nên họ không thích, không tham gia” - ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Phú Yên, nhận xét. Vì vậy hai năm qua, số lượng tàu tham gia khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ ứng dụng quy trình công nghệ hiện đại khiêm tốn, trên dưới 5-7%. Lợi thì ai cũng thích, nhưng ngư dân quen tự do, ít quan tâm đến công nghệ mới, nên một đất nước có bờ biển kéo dài suốt từ Bắc chí Nam, ngư nghiệp xuất hiện từ những ngày mới lập quốc, nhưng so với láng giềng, vẫn cứ mãi lẽo đẽo thua thiệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn