MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bất chấp khuyến cáo, nhiều nông dân ở Sóc Trăng vẫn xuống giống lúa ngay mùa hạn, mặn. Ảnh: Phương Anh

Sóc Trăng khẩn trương cứu lúa do thiếu nước

PHƯƠNG ANH LDO | 06/03/2024 15:19

Trước nguy cơ hàng nghìn ha lúa vụ Đông Xuân muộn (vụ 3) bị thiệt hại, mất trắng do thiếu nước, ảnh hưởng xâm nhập mặn, tỉnh Sóc Trăng khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp để cứu lúa, giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Bất chấp xuống giống dù đã được khuyến cáo

Ông Thạch Vạch ở xã Tân Hưng (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, năm trước tình hình mặn không gay gắt như năm nay, cộng với lúa đang có giá khá cao nên vụ sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân 2024, ông liền cải tạo đất để xuống giống vụ 3 với hi vọng kiếm chút vốn cho vụ sau.

“Không ngờ năm nay mặn xâm nhập, độ mặn trong nước cao và kéo dài nên khi đóng cống ngăn mặn thì thiếu nước ngọt dẫn đến lúa chết khô. Với tình hình như hiện nay, chỉ mong mặn mau qua để còn kịp cứu lúa” - ông Vạch nói.

Tương tự, ông Thạch Lâm (ở thị trấn Long Phú, huyện Long Phú) xuống giống hơn 1ha. Hiện nay, trà lúa đã được 46 ngày tuổi và đang bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập.

Ông Lâm cho hay, khu vực của ông được ngành chức năng khuyến cáo không trồng lúa vụ 3 nhưng do giá lúa tăng, ông và bà con đã quyết định làm liều. “Vẫn biết vụ này làm là khó khăn vì hạn, mặn nhưng thấy nhiều người làm mình cũng làm theo với hi vọng kiếm chút thu nhập thay vì bỏ đất trống” - ông Lâm nói.

Nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng bị thiếu nước do ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn. Ảnh: Phương Anh

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Sóc Trăng, diện tích xuống giống vụ lúa Đông Xuân muộn trên địa bàn tỉnh hơn 41.000 ha, trong đó hơn 31.000ha trong kế hoạch và khoảng 9.400 ha nằm ngoài kế hoạch (vùng khuyến cáo không sản xuất do hạn mặn xâm nhập).

Đối với những diện tích nằm trong kế hoạch cơ bản được đảm bảo. Riêng với diện tích nằm ngoài kế hoạch có khả năng thiếu nước cục bộ do hạn, xâm nhập mặn. Hiện đã có hơn 32 ha mất trắng do xuống giống đúng thời điểm mặn gay gắt nên người dân không tiếp tục chăm sóc.

Khẩn trương cứu lúa

Trước tình hình hạn, xâm nhập mặn gay gắt ảnh hưởng đến sản xuất lúa trên địa bàn, vừa qua ông Lâm Vân Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - cũng đã trực tiếp đến các đồng lúa để có những chỉ đạo kịp thời.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng khảo sát các đồng lúa bị ảnh hưởng do hạn, xâm nhập mặn. Ảnh: Phương Anh

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị các ngành chuyên môn, các địa phương thường xuyên cập nhật, tuyên truyền đến từng xóm ấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình diễn biến hạn, xâm nhập mặn, tình hình nguồn nước, vận hành các cống để người dân biết, kiểm tra độ mặn trước khi bơm tưới.

Ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho hay, ngành đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy lợi Sóc Trăng cử cán bộ thường xuyên theo dõi độ mặn, tiến hành mở cống lấy nước ngọt ở thời điểm thích hợp.

“Mấy ngày qua khi độ mặn giảm, chúng tôi tiến hành lấy nước ngọt vào kênh để phục vụ cho bà con sản xuất lúa. Hiện với lượng nước dự trữ có thể sử dụng từ 15 - 20 ngày. Trong thời điểm thích hợp, chúng tôi tiếp tục vận hành cống để tiếp nước” - ông Đạo cho hay.

Ngành thủy lợi tỉnh Sóc Trăng vận hành cống lấy nước ngọt phục vụ sản xuất. Ảnh: Phương Anh

Ông Đạo cũng khuyến cáo bà con cần chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi bơm, tưới cho cây trồng cũng như sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn