MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nông dân cần được hỗ trợ giống lúa và rau màu để sản xuất vụ đông xuân phục vụ Tết. Ảnh: Tiến Văn

Sớm hỗ trợ nông dân để không thiếu hụt thực phẩm trong dịp Tết

Vũ Long LDO | 18/09/2021 15:00

Tình trạng thiếu giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa và rau màu; tình trạng khó tiêu thụ nông sản khiến nông dân e ngại đầu tư sản xuất.

Thiếu khoảng 50-70 nghìn tấn thóc giống

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT) Lê Thanh Tùng, nhu cầu lúa giống cho cả vụ đông xuân 2021-2022 tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ước tính cần khoảng 180-200 nghìn tấn.

Trong khi đó, năng lực các công ty sản xuất và kinh doanh hạt giống lúa và Viện Lúa ĐBSCL chỉ cung ứng tối đa 100 nghìn tấn giống. Các hợp tác xã, hộ sản xuất giống kinh doanh và trao đổi giống đạt phẩm cấp có thể cung ứng khoảng từ 50-70 nghìn tấn giống. Như vậy, ĐBSCL vẫn còn thiếu khoảng 50-70 nghìn tấn thóc giống.

“Trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp hiện nay, khâu thu hoạch, sơ chế bảo quản giống tại công ty và hệ thống sản xuất giống nông hộ gặp khó khăn, nên việc cung ứng giống đạt phẩm cấp cho sản xuất có thể thiếu so với nhu cầu” – ông Lê Thanh Tùng cho biết.

Theo Bộ NNPTNT, vụ đông xuân 2021-2022, ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu hecta, trong đó, xuống giống sớm khoảng 250-300 nghìn hecta vào tháng 10.2021 để tránh hạn hán và xâm nhập mặn đặc thù tại khu vực.

Trước tình hình khó khăn, thiếu giống và vốn của bà con nông dân, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam – Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ NNPTNT tại các tỉnh phía Nam (Tổ công tác 970), nhấn mạnh: Các ruộng sản xuất giống không được thu hoạch và vận chuyển kịp thời để sơ chế nên không đạt các tiêu chuẩn làm giống, các doanh nghiệp và hệ thống kinh doanh hạt giống ở cấp tỉnh, huyện, xã bị giới hạn về lưu thông, vận chuyển, chế biến nên khả năng cung ứng giống không kịp thời vụ sản xuất và nông dân khó tiếp cận giống lúa theo mong muốn, các liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân có thể bị đứt gãy ngay từ khâu cung ứng giống cho sản xuất.

Nghịch lý đáng nói là, trong khi ĐBSCL hiện nay còn dư khoảng 3 triệu tấn gạo để xuất khẩu, nhưng khu vực này lại đang thiếu hàng chục nghìn tấn thóc giống để sản xuất vụ đông xuân 2021-2022.

Hỗ trợ giống lúa, hoa màu, nơi tiêu thụ để nông dân dám tiếp tục sản xuất

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh nam, Tổ công tác 970 của Bộ đã đề xuất Bộ trưởng Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ hỗ trợ giống và kinh phí mua lúa giống cho nông dân, hỗ trợ 5 nghìn tấn lúa giống từ nguồn dự trữ Quốc gia cho các khu vực xuống giống rất sớm đầu tháng 10.2021 với khoảng 50 nghìn hecta và hỗ trợ 50% nhu cầu lúa giống với khoảng 1.300 tỉ đồng cho các địa phương có lịch xuống giống vụ đông xuân trong tháng 10 và tháng 11.2021. 

Nguy cơ thiếu nông sản nếu nông dân thiếu vốn sản xuất. Ảnh: Vũ Long

Còn 50% nhu cầu lúa giống còn lại cần cho sản xuất vụ đông xuân tại các địa phương (khoảng 100 nghìn tấn), cần áp dụng Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng, đất trồng lúa hoặc huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án lồng ghép; các doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa giống… Có như vậy mới đảm bảo cho sản xuất lúa đông xuân 2021-2022 ổn định về diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng.

Ngoài việc hỗ trợ lúa giống, Bộ NNPTNT kiến nghị Chính phủ và các tỉnh Nam Bộ có chính sách hỗ trợ giống cho cây rau màu, cây hàng năm và các giống cho chăn nuôi, thủy sản. Hiện nay, ngoài thiếu hụt khoảng 50 nghìn tấn thóc giống, khu vực ĐBSCL còn thiếu hụt giống các loại rau màu.

Hiện nay dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tâm lý nông dân, khiến nhiều người bỏ lửng đầu tư trong các khâu chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch và vận chuyển trái cây, rau màu. Tâm lý e ngại tái sản xuất sau dịch có thể dẫn đến việc thiếu hụt số lượng rau màu phục vụ Tết Nguyên đán.

Về chăn nuôi, hiện nay, hình thức chăn nuôi nông hộ giảm nhiều, đặc biệt là chăn nuôi gia cầm, do tâm lý của người chăn nuôi chưa xác định được khi nào thì dịch bệnh được kiểm soát để mạnh dạn đầu tư, trong khi đó, tình trạng rớt giá sản phẩm, giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh hiện hữu… khiến nông dân chán nản.

"Điều này có thể dẫn đến khan hiếm cục bộ sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sản phẩm thịt gà trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu rõ. 

Vụ lúa hè thu vùng ĐBSCL đã thu hoạch 1,28 triệu hecta, sản lượng đạt 7,2 triệu tấn. Diện tích còn lại sẽ thu hoạch trong tháng 9 là 230 nghìn hecta, ước sản lượng 1,3 triệu tấn. Vụ thu đông đã gieo sạ 580 nghìn hecta, đạt 83% so với kế hoạch, ước cả vụ sẽ xuống giống 700 nghìn hecta.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn