MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảng cá Tắc Cậu có số lượng tàu cập cảng lớn trong khu vực ĐBSCL. Ảnh: Nguyên Anh

Sớm hoàn thiện hệ thống phần mềm nhật ký điện tử để hỗ trợ ngư dân

NGUYÊN ANH LDO | 18/10/2023 08:47

Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản qua cảng ở Kiên Giang vẫn còn những khó khăn, bất cập cần xử lý sớm để góp phần gỡ khó cho xuất khẩu, tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).

Nhật ký khai thác chưa đúng

Theo Ban Quản lý cảng cá Kiên Giang (Ban Quản lý), 9 tháng năm 2023, đơn vị đã kiểm tra trên 3.200 lượt tàu cập cảng, trong đó hơn 1.500 lượt tàu bốc dỡ thủy sản khối lượng trên 23.000 tấn.

Ông Ngô Văn Lâm - Giám đốc Ban Quản lý - cho biết: Tại cảng cá Tắc Cậu bố trí nhân lực 14 người thực hiện giám sát 100% sản lượng bốc dỡ qua cảng, cảng An Thới (Phú Quốc) thì lượng tàu cập cảng ít hơn nên bố trí 6 người. Với công tác kiểm tra tàu cá ra vào cảng, đơn vị phối hợp với Tổ kiểm tra kiểm soát nghề cá, Chi cục Kiểm ngư và Đồn biên phòng Tây Yên (huyện An Biên) kiểm tra tàu cá trên 15m cập cảng bốc dỡ hàng hóa, cảng An Thới thì phối hợp với đồn biên phòng Cửa khẩu cảng An Thới.

Ông Lâm cho biết thêm: Theo quy định tàu cá chiều dài 12m trở lên thì phải ghi nhật ký khai thác và nộp cho tổ chức cảng cá trước khi bốc dỡ hàng thủy sản. Tại cảng cá Tắc Cậu thì Sở NNPTNT có thành lập văn phòng kiểm tra, trong đó phát hiện có trường hợp khi tàu cá vào bờ thì mới ghi chép lại nhật ký, 1 số do trình độ hạn chế, chủ quan trong vấn đề ghi chép cho nên việc ghi chép không đầy đủ. Từ đó dẫn đến khó khăn cho việc xác định sản lượng của từng loại, khó khăn cho truy xuất nguồn gốc hải sản, gây khó cho công tác xử lý.

“Ví dụ quy định ghi nhật ký xuyên suốt, đối với tàu khai thác cường độ trên 24 giờ thì ít nhất cũng từ 2 mẻ lưới trở lên, tuy nhiên ngư dân họ khai thác trong ngày ghi dồn lại thành 1 mẻ lưới thì không hợp lý. Nhưng lực lượng chức năng không có cơ sở gì để xử lý, cũng không có hướng dẫn quy định cụ thể” - ông Lâm chia sẻ.

Xử lý nghiêm để răn đe

Thời gian qua lực lượng chức năng tỉnh Kiên Giang đã tăng cường nguồn nhân lực, phương tiện hoạt động tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các sai phạm liên quan khai thác IUU trên biển cũng như kiểm soát việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản trong nước vẫn còn những điều chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EC.

Ông Lê Văn Tính - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang - cho biết: Từ 2022 đến nay, Ban Quản lý đã xác nhận hơn 200 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác với khối lượng khoảng trên 5.700 tấn, Chi cục đã chứng nhận trên 200 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác khối lượng trên 2.000 tấn. Bộ, ngành liên quan và tỉnh Kiên Giang đã tổ chức đoàn công tác đến kiểm tra công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác với Ban Quản lý và công tác chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác đối với Chi cục.

Theo Chi cục, một số tồn tại như trình độ thuyền trưởng, thuyền viên cũng còn hạn chế, các thông tin trên nhật ký khai thác chưa đầy đủ, chưa chính xác; tàu cá hoạt động giấy phép khai thác hết thời hạn sử dụng, đặc biệt là giấy chứng nhận an toàn tàu cá cũng hết thời hạn; hoạt động khai thác sai vùng nên việc lập hồ sơ thẩm định gặp khó khăn...

Ông Ngô Văn Lâm - Giám đốc Ban Quản lý - cho rằng, giải pháp khắc phục là tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra trên biển với tàu đang khai thác, họ ghi chép đảm bảo hay không. Trường hợp nếu vi phạm thì xử lý nghiêm để răn đe.

“Lực lượng chức năng khi phát hiện thì phối hợp và thông tin cho cảng cá biết để giám sát lô hàng này khi về cảng, phục vụ cho công tác xác nhận nguồn gốc, đảm bảo hồ sơ xác nhận khi xuất khẩu. Ngoài ra cũng kiến nghị Bộ NNPTNT sớm hoàn thiện hệ thống phần mềm nhật ký điện tử để bà con ngư dân giảm bớt khó khăn trong việc ghi chép” - ông Lâm chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn