MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xu hướng giảm lãi suất cho vay đang có dấu hiệu lan rộng ra nhiều ngân hàng. Ảnh: Hải Nguyễn

Sóng giảm lãi suất cho vay bắt đầu lan rộng

Cẩm Hà LDO | 27/10/2020 11:00
Không nằm ngoài các dự báo, nhiều ngân hàng thương mại trong thời gian gần đây liên tiếp tiến hành điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tiền đồng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng vẫn đạt mức thấp so với cùng kỳ năm ngoái.

Thêm ngân hàng giảm lãi suất

Trong các ngày gần đây, nhiều ngân hàng lớn tiếp tục thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với nhiều đối tượng khách hàng hàng nhằm hỗ trợ khách hàng đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh trong các tháng cao điểm cuối năm.

Đáng chú ý tại Ngân hàng Vietcombank, mức lãi suất cho vay kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhờ và vừa (DNNVV) giảm chỉ còn từ 5,9%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới ngay từ tháng 10.2020. Với khách hàng là cá nhân vay vốn kinh doanh, mức lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 6,5%/năm. Với một số sản phẩm vay vốn riêng biệt, khách hàng có thể được áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,7%/năm, áp dụng cho các khoản giải ngân mới từ ngày 20.10.2020.

Trong khi đó, Ngân hàng Agribank mới đây cũng tiếp tục giảm thêm 0,3% lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, theo đó đưa lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa chỉ còn 4,5%/năm và lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm. Bên cạnh đó, từ nay đến hết ngày 30.6.2021, Agribank còn triển khai các gói tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng DNNVV với tổng quy mô lên đến 35.000 tỉ đồng.

Đại diện Agribank cho hay, cũng trong đợt điều chỉnh này, thực hiện chủ trương điều chỉnh giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng cũng thực hiện điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi một số kỳ hạn để phù hợp với mặt bằng chung lãi suất trên thị trường.

Kích thích nhu cầu vay vốn

Ngoài các ngân hàng thương mại quốc doanh, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng vừa tiến hành giảm thêm lãi suất cho vay nhằm trực tiếp hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp hồi phục sản xuất kinh doanh sau tác động của dịch COVID-19. Theo đó, mức lãi suất cho vay áp dụng đối với các khách hàng cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình tại một số ngân hàng hiện giảm chỉ còn từ 5,99%/năm. Thậm chí, một số ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay kinh doanh về chỉ còn 6,8%/năm với hạn mức 80% nhu cầu vốn trong thời hạn tối đa lên tới 180 tháng. Theo đó, từng gói vay cụ thể sẽ có mức lãi suất tương ứng.

Liên quan đến những biến động của mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường, theo kết quả điều tra thị trường của Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước, trong quý IV/2020, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục kỳ vọng giảm giá bình quân sản phẩm và dịch vụ trong quý và cả năm 2020 (42,6% số TCTD). Trong đó, tập trung giảm lãi suất biên (24,5%-45,4% số TCTD) nhiều hơn so với phí dịch vụ (13,5%-36,8% số TCTD).

Tuy nhiên, tốc độ điều chỉnh giảm giá bình quân sản phẩm và dịch vụ của các TCTD đang chậm lại cho thấy, khả năng dư địa để giảm giá sản phẩm dịch vụ đang thu hẹp lại. Đáng chú ý tiếp tục xu hướng dự báo của kỳ trước, tại kỳ điều tra này, mặt bằng lãi suất huy động - cho vay cũng được kỳ vọng giảm trong các tháng tới và cả năm 2020. Bình quân kỳ vọng chung toàn hệ thống, mặt bằng lãi suất thị trường được kỳ vọng giảm 0,1 điểm phần trăm trong 3 tháng cuối năm 2020.

Thực tế ngay từ tháng 9.2020, thị trường ngân hàng cũng chứng kiến mặt bằng lãi suất huy động có xu hướng giảm đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở tất cả nhóm ngân hàng, làm cơ sở để kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong thời gian tới. Trong đó, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh giảm 0,125%; lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) có quy mô nhỏ vốn dưới 5.000 tỉ đồng giảm 0,163% và lãi suất của nhóm ngân hàng TMCP có quy mô lớn vốn trên 5.000 tỉ đồng giảm 0,14%. Trong khi đó, đối với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh sụt giảm mạnh nhất khi mất đi 0,225%.

Theo các phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động tiếp tục giảm chủ yếu do thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang được duy trì dồi dào trong lúc sức hấp thụ của nền kinh tế suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến cho tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ. Với mặt bằng lãi suất cho vay đang cho chiều hướng giảm và nhu cầu vốn sản xuất gia tăng trong các tháng cuối năm, BVSC đánh giá tín dụng trong quý cuối năm nhiều khả năng sẽ dần cải thiện so với ba quý đầu năm nhưng mức cải thiện sẽ không đủ lớn để khiến thanh khoản hệ thống căng thẳng trở lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn