MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tình trạng "bắt nạt" từ các "ông lớn" trên thế giới xảy ra không ít. Nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên, một startup Việt sở hữu phim hoạt hình Wolfoo đối mặt với tình trạng này. Ảnh: H.Anh.

Startup Việt cần chuẩn bị gì để ứng phó với tình trạng “bắt nạt” bản quyền?

Thế Lâm LDO | 02/09/2022 19:33

Những vụ kiện qua lại giữa Entertainment One UK Limited (EO, trụ sở tại Anh quốc) và Công ty Sconnect Việt Nam (SCN, Việt Nam) cho thấy, một bên là “ông lớn” đang “bắt nạt” về bản quyền; còn một bên, doanh nghiệp startup Việt, trong tình thế chống đỡ.

EO đã tiến hành khởi kiện về bản quyền đối với SCN tại Nga và Anh quốc. Tuy nhiên vào tháng 7 vừa qua, EO đã có đơn rút hồ sơ kiện SCN tại Nga, theo đó Tòa án Mátxcơva đã đình chỉ vụ kiện.

Còn vụ kiện tại Anh, phiên xử được lùi tới tháng 11. Tuy nhiên mới đây, SCN cũng đã nộp hồ sơ khởi kiện lại nhóm công ty EO (gồm 2 công ty) tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, cáo buộc EO vi phạm nhãn hiệu Wolfoo của SCN.

Câu chuyện tố tụng, xét xử để đi đến phán quyết có thể sẽ mất không ít thời gian và ở thời điểm hiện tại, chưa xác lập rõ ưu thế đôi bên. Tuy nhiên qua vụ việc này, một số vấn đề nổi lên rất đáng quan tâm.

Thứ nhất là công ty EO (Anh quốc) tiến hành khởi kiện trước đối với công ty SCN (Việt Nam) về bản quyền sáng tạo khi SCN trong vài năm qua đã sản xuất và phát hành đến vài ngàn tập phim hoạt hình về chú sói Wolfoo, và đã chinh phục được nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Ấn Độ…

Thậm chí, nhãn hiệu, hình ảnh chú sói Wolfoo còn được thương mại hóa khá rộng rãi. Phim hoạt hình Wolfoo phát trên nền tảng YouTube tại nhiều quốc gia, đến nay tổng cộng đã mang lại hơn 30 tỉ lượt xem, giúp cho SCN đạt 2 nút kim cương và nhiều nút vàng, bạc của YouTube.

Thứ hai, SCN là công ty nhỏ và non trẻ, ban đầu trong thế chống đỡ trước sự “bắt nạt” về bản quyền sáng tạo từ “ông lớn”.

Theo nhà báo chuyên về công nghệ Phạm Hồng Phước, trong sân chơi toàn cầu, các doanh nghiệp Việt cần lường trước các bất trắc có thể xảy ra với mình.

“Điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi ra sân chơi lớn, hội nhập quốc tế thì phải chắc chắn về mặt pháp luật, không được bỏ lơ; phải chấp nhận đầu tư chi phí về pháp luật để xem xét các khía cạnh có vấn đề gì vi phạm. Nếu không, khi xảy ra chuyện, sẽ rất phiền phức, rắc rối, thậm chí thiệt hại nặng nề hơn”, ông Phước nói.

Trước câu hỏi các startup Việt cần chuẩn bị hay cần ứng phó ra sao trước tình trạng bắt nạt của một số “ông lớn” thông qua chiêu thức liên tục kiện tụng nhằm cạnh tranh không lành mạnh, “người trong cuộc” là ông Phạm Văn Anh – phụ trách về pháp chế của SCN – đề cập tới 3 điểm mấu chốt.

Thứ nhất là, từ khâu sản xuất các doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm và quá trình sản xuất của mình có chất lượng, giá trị và hợp pháp.

Thứ hai trong khâu kinh doanh, các doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm được kinh doanh trên thị trường một cách hợp pháp.

Thứ ba là cần xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các đối thủ, cụ thể như hành vi nói xấu, gây gián đoạn hoạt động kinh doanh, mạo danh chủ sở hữu sản phẩm, khiếu nại khiếu kiện vô căn cứ… 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn