MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sự cố tàu vỏ thép 67 tại Bình Định: Cty Đại Nguyên Dương từ chối bồi thường

Xuân Nhàn LDO | 30/11/2017 15:13
Sau thời gian tạm lắng do chờ sửa chữa, khắc phục, sáng 30.11, câu chuyện dài kỳ về tàu vỏ thép nằm bờ ở Bình Định tiếp tục được hâm nóng ở phiên họp bàn nội dung hỗ trợ, đền bù.

Cuộc họp do Sở NNPTNT Bình Định làm trung gian kết nối. “Nhiều nhất sẽ có 3 lượt thảo luận về việc có hay không trách nhiệm đền bù; nội dung nào phải đền bù, nội dung nào cần chia sẻ. Cuối cùng, nếu các bên vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung, tranh chấp nên được đưa ra tòa kinh tế”, Giám đốc Sở Phan Trọng Hổ nêu giới hạn.

Buổi chạm mặt “thăm dò” kết thúc khoảng 11h trưa, sau khi chứng kiến khác biệt gay gắt giữa ngư dân và doanh nghiệp, đặc biệt là giữa Cty TNHH Đại Nguyên Dương với nhóm khách hàng cũ.

Số liệu do Sở NNPTNT Bình Định tổng hợp cho thấy, thiệt hại từ 19 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/NĐ - CP tại Cty TNHH Đại Nguyên Dương và Cty TNHH MTV Nam Triệu là 36 tỉ 937 triệu đồng. Trong đó, TP Quy Nhơn có 2 tàu, tổn thất gần 6,7 tỉ đồng; huyện Phù Cát 7 tàu - 10,4 tỉ đồng; Phù Mỹ 4 tàu - 2,7 tỉ đồng; Hoài Nhơn 6 tàu - gần 17,1 tỉ đồng.

Thiệt hại được tính trên nhiều khoản: Chi phí khắc phục, sửa chữa sau khi nhận tàu, mua thêm trang thiết bị; lỗ tổn phí; tiền thuê thuyền viên; hải sản hư hỏng; chi phí sinh hoạt gia đình; tổn thất lợi nhuận; nợ ngân hàng... Có 17 chủ tàu đang chịu nợ quá hạn ngân hàng với số tiền 17,84 tỉ đồng, gồm hơn 8 tỉ tiền gốc và 9,8 tỉ tiền lãi (tính tròn số).

Nhiều ngư dân phát hiện có sai lệch giữa kê khai của họ và kết quả thống kê. Ông Lê Văn Thãi, chủ tàu BĐ 99016TS kêu bị “rớt” phần lãi suất quá hạn cùng một số khoản khác: “Tôi yêu cầu bồi thường 2 tỉ 868 triệu đồng chứ không phải hơn 1,7 tỉ đồng như văn bản tổng hợp”.

Ông Phan Trọng Hổ kêu gọi: “Nên có lý có tình. Chi phí khắc phục, sửa chữa hai cơ sở đóng tàu bỏ ra là rất lớn. Việc hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ cần xem lại. Tàu không ra khơi sẽ không được hưởng. Chi phí thuê thuyền viên thì căn cứ hợp đồng, có xác nhận UBND xã. Một số khoản cần được chia sẻ như sinh hoạt gia đình, lợi nhuận. Đây là sự cố rủi ro”.

Quyền Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Nam Triệu Nguyễn Văn Mẫn thừa nhận yêu cầu của ngư dân là chính đáng. Ông Mẫn hứa sẽ “xem xét kỹ, cái nào chấp nhận được, cái nào cần làm rõ thêm”.

Trái lại, Giám đốc Cty TNHH Đại Nguyên Dương Nguyễn Xuân Nguyên dứt khoát tuyên bố không bồi thường vì tàu do Cty ông đóng “vỏ tốt, máy tốt”. Ông Nguyên than phiền chất lượng mặt bằng Xí nghiệp đóng Tam Quan, vốn được doanh nghiệp đồng ý chọn làm nơi sửa chữa; chỉ trích quy trình kiểm tra vỏ thép mất nhiều thời gian và hối thúc ngân hàng BIDV, Chi nhánh Phú Tài sớm quyết toán, giải ngân khoản phí bảo hành.

Sau ý kiến của Đại Nguyên Dương, chủ tàu BĐ 99004TS Nguyễn Văn Lý đứng lên: “Ông Nguyên nói sai hoàn toàn”...    

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn