MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lượng khách đến chợ Bến Thành tăng mạnh khiến khu chợ sôi động hơn. Ảnh: Ngọc Lê

Sự hồi sinh của những khu chợ lớn ở TPHCM

NGỌC LÊ LDO | 14/09/2022 09:07

Sau một năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, lượng khách đến mua sắm tại các khu chợ truyền thống của TPHCM như chợ Bến Thành, chợ An Đông... tăng mạnh. Nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm tại chợ đã giúp tình hình kinh doanh trở nên khởi sắc hơn.

Sự hồi sinh mạnh mẽ

Vào thời điểm này cách đây 1 năm, sạp hàng của anh Hữu Thành tại chợ Bến Thành đã phải đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cứ nghĩ tình hình kinh doanh sẽ rất khó khăn nhưng ở thời điểm hiện tại, anh Thành cũng như các tiểu thương khác tại đây đã có thể yên tâm buôn bán nhờ, dịch bệnh được kiểm soát và lượng khách ngày một tăng.

 “Buôn bán tại chợ gần chục năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy chợ ảm đạm, bạn hàng không buồn ra chợ như thời điểm dịch bùng phát cách đây 1 năm. Khi mở chợ trở lại, tình hình buôn bán cũng không khả quan vì không có khách, tôi định sang sạp và chuyển nghề khác rồi nhưng không nỡ. Khoảng 2 tháng trở lại đây, việc kinh doanh cũng thuận lợi hơn nhờ lượng khách trong và ngoài nước đến chợ tham quan, mua sắm tăng mạnh” - anh Thành chia sẻ.

Không chỉ tại chợ Bến Thành, một số khu chợ khác tại TPHCM như chợ An Đông, chợ Tân Bình, chợ Bình Tây… lượng khách đến chợ mua hàng đã dần ổn định, tình hình kinh doanh tại chợ cũng khởi sắc hơn.

Chị Thùy Trang, kinh doanh đồ thời trang tại chợ An Đông cho biết: “Việc kinh doanh ở thời điểm này đã cải thiện rất nhiều, tăng khoảng 40-50% so với thời điểm đầu năm. Thời gian gần đây cũng có du khách nước ngoài ghé thăm khiến chúng tôi cũng phấn khởi, hy vọng buôn bán sẽ tốt hơn”.

Theo Ban Quản lý chợ Bến Thành, thời điểm này tại chợ có 1.100 hộ/1.438 hộ kinh doanh ở các ngành. Lượng khách đến chợ trung bình 3.000-4.000 lượt/ ngày, tăng gần gấp đôi so với tháng 6 (1.400-1600 lượt khách/ngày). Tình hình kinh doanh tại chợ đã đạt được 70% so với trước dịch COVID-19. Đối với chợ đêm hiện nay có 150 hộ tham gia kinh doanh. Lượng khách đến tham quan mua sắm chợ mỗi đêm khoảng hơn 200 lượt khách và đa số du khách Malaysia đến mua cà phê, vải sợi.

Ông Nguyễn Vĩnh Hà, Đội trưởng đội nghiệp vụ chợ Bến Thành cho biết: “Các sạp vải tại chợ đều có dịch vụ may đo áo vest chỉ trong một ngày, với giá tốt. Do đó, chợ đêm Bến Thành hiện nay rất thu hút khách thị trường Malaysia và các nước đến đặt may đo đồ vest. Du khách khi đến đây vừa được dạo chợ, tản bộ thành phố về đêm, vừa có điểm mua sắm rất thuận tiện.

Chợ Bến Thành nằm trong số 10.000 cẩm nang du lịch mà Sở Du lịch phát nhằm quảng bá các điểm đến cho du khách khi đến TPHCM. Thời gian tới khi tuyến đường Lê Lợi hoàn thành, Ban quản lý chợ cũng hy vọng chợ Bến Thành sẽ thu hút khách đến nhiều hơn, sớm phục hồi như trước dịch”.

Nhiều tín hiệu đáng mừng

Mới đây, Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền cũng đã triển khai nhà hàng hải sản Chợ Bình Điền ở phố đi bộ khu trung tâm TPHCM với mô hình kinh doanh kết hợp giữa nhà hàng và chợ đầu mối Bình Điền.

Ông Phan Thành Tân, Giám đốc chợ đầu mối Bình Điền - cho biết, mục tiêu việc cho ra đời nhà hàng hải sản chợ đầu mối Bình Điền là giúp người tiêu dùng được thưởng thức những sản phẩm chất lượng từ nguồn nguyên liệu tại chợ đầu mối. Song song đó, công ty cũng muốn quảng bá các hải sản tươi ngon tại chợ thông qua các đầu bếp hàng đầu tại Việt Nam.

Theo Cục Thống kê TPHCM, ước tính 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 746.578 tỉ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 443.258 tỉ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ với nhiều nhóm hàng tăng cao như: nhóm vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 60,9% đạt 8.218 tỉ đồng; nhóm hàng xăng dầu tăng 36,0% với doanh thu 45.955 tỉ đồng; nhóm hàng may mặc tăng 36,3% với doanh thu 31.707 tỉ đồng; nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng 16,4% với doanh thu 79.288 tỉ đồng.

Nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống doanh thu đạt 57.222 tỉ đồng, tăng 62,2% so với cùng kỳ. Trong đó dịch vụ lưu trú đạt 5.683 tỉ đồng, tăng 81,5%; dịch vụ ăn uống đạt 51.539 tỉ đồng tăng 60,3% so với cùng kỳ;  doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 5.007 tỉ đồng, chiếm 0,67% trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 101,1% so với cùng kỳ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn