MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã bổ sung nội dung luật hoá Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu. Ảnh: Hải Nguyễn

Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Bổ sung thêm nhiều chế tài

TRÍ MINH LDO | 13/03/2023 09:28

Vừa qua, Chính phủ có chỉ đạo giao Ngân hàng Nhà nước chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới; tăng cường công tác thanh tra, giám sát; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi), trình Chính phủ trong tháng 3. Những nội dung của dự thảo luật đang được quan tâm, đặc biệt về quy trình xử lý nợ xấu. 

Thêm phương án cho thứ tự ưu tiên thanh toán 

Một trong những quan tâm hàng đầu của các TCTD đối với dự thảo luật mới đó là vấn đề xử lý tài sản đảm bảo.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, việc sửa đổi, bổ sung luật các TCTD là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động của các TCTD phát triển an toàn, bền vững thông qua việc lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động; xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động; tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của TCTD.

Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31.12.2023, việc luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng, qua đó tạo được khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của TCTD một cách đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng ổn định, lâu dài.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến góp ý cho thấy, trong quá trình triển khai, việc áp dụng quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu phải được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ đối với TCTD trước khi thanh toán nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm (bao gồm cả án phí). 

Tuy nhiên, trên thực tế, để lấy từ nguồn khác dành cho việc thanh toán nghĩa vụ thuế là hết sức khó khăn cho cơ quan thuế, cơ quan thi hành án và ảnh hưởng tới hoạt động thu ngân sách nhà nước. 

Do đó, trong dự thảo, Ngân hàng Nhà nước đề xuất thêm phương án điều chỉnh quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán theo hướng số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD...

Như vậy, có thể hiểu khi thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản sẽ được thanh toán cho các khoản thuế trực tiếp liên quan đến việc chuyển nhượng chính tài sản bảo đảm đó, gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ... sau đó sẽ thanh toán cho nghĩa vụ nợ của bên bảo đảm tại TCTD.

Trên cơ sở đó, TCTD sẽ không phải nộp thay cho bên bảo đảm các khoản thuế, phí không liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm (nợ thuế, phí khác của doanh nghiệp, cá nhân…).

Cần bổ sung thêm các chế tài

Bà Nguyễn Thị Vân Hoài - Giám đốc cao cấp quản trị quan hệ công, Techcombank cho rằng, trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn của TCTD.

Do vậy, cần thiết phải có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để bảo vệ bên cho vay/bên nhận bảo đảm trong các trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ hoặc trây ỳ không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho các TCTD.

Ông Tạ Quang Đôn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhìn chung có đổi khác so với trước nhưng cơ bản vẫn được kế thừa từ Bộ luật năm 2010. Dự thảo đã được bổ sung thêm việc luật hóa Nghị quyết 42.

Dự thảo luật cũng được xây dựng tập trung theo 8 nhóm vấn đề, như vấn đề về giấy phép quản trị điều hành; về hoạt động giao đại lý trong lĩnh vực thanh toán; quy định bảo đảm, an toàn; vấn đề liên quan đến kiểm soát đặc biệt, giải thể, phá sản…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn