MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Theo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Nghị định 95 cần sửa đổi theo hướng điều hành giá kịp thời, kể cả ngày nghỉ. Ảnh: Hải Nguyễn

Sửa đổi Nghị định 95 để lập lại trật tự thị trường xăng dầu

Cường Ngô LDO | 18/11/2022 11:36
Để ổn định thị trường xăng dầu, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có kiến nghị sửa Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp xăng dầu.

Đề nghị điều hành giá kịp thời, kể cả ngày nghỉ

Thời gian qua, hình ảnh chờ hàng tiếng đồng hồ giữa trưa nắng, lúc nửa đêm để mua xăng đã trở thành "cú sốc" tâm lý đối với người dân. Nhiều nguyên nhân được cơ quan quản lý và chuyên gia chỉ ra, song mấu chốt của việc đứt gãy nguồn cung hiện nay là giải bài toán chi phí kinh doanh xăng dầu, tháo gỡ tình trạng "càng bán càng lỗ" của các doanh nghiệp. 

Đồng thời, các chuyên gia cũng cho rằng, cần phải sửa ngay những bất cập của Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, lập lại trật tự thị trường.

Bộ Công Thương ngay sau đó đã có văn bản hỏa tốc gửi các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến việc sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, văn bản của Bộ Công Thương mới chỉ dừng lại ở việc xin ý kiến, chưa có nội dung sửa đổi cụ thể để doanh nghiệp, chuyên gia góp ý.

Theo nguồn tin của Lao Động, một doanh nghiệp xăng dầu ở Hà Nội đã có văn bản tham gia ý kiến, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 95.

Theo doanh nghiệp này, về nguyên tắc điều hành giá, Nghị định 95 cần sửa đổi theo hướng điều hành giá kịp thời, 10 ngày một lần kể cả ngày nghỉ.

Trường hợp giá thế giới biến động bất thường tăng - giảm trên 7%, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng để quyết định.

Về công thức tính giá xăng dầu, doanh nghiệp nêu trên cho rằng, giá bán xăng dầu dựa trên nguyên tắc tính đúng, tính đủ, kịp thời giá thành xăng dầu từ khâu nhập khẩu, đến khâu bán lẻ.

Sửa đổi Nghị định 95 để lập lại trật tự thị trường xăng dầu. Ảnh: Minh Nguyễn 

Giá thành vận chuyển xăng dầu từ nước ngoài về cảng dầu Việt Nam và các chi phí vận tải các nhà máy lọc dầu trong nước về tới kho đầu nguồn một tháng tính một lần.

Giá thành của khâu nhập khẩu lấy từ các doanh nghiệp đầu nhập khẩu có thị phần lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty dầu Việt Nam; Tổng công ty xăng dầu Quân đội; Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà và Sài Gòn Petrol.

Về chi phí lưu thông từ kho đầu nguồn đến khâu bán lẻ: Đối với xăng E5 và xăng A95  là 7% trên giá bán lẻ xăng dầu từng thời điểm/lít thực tế. Đối với dầu Diesel là 6,5% trên giá bán lẻ xăng dầu từng thời điểm/lít thực tế.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị sửa điều 24a "Thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ" tại Nghị định 95. Bởi qua thực tế, các cửa hàng mini muốn lấy xăng dầu và kinh doanh theo hình thức này rất bất cập, không thực hiện được vì sức chứa quá nhỏ.

Các đơn vị muốn cấp hàng vào cũng không thể cấp được và cũng rất khó cho việc cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, kiểm soát. Vì vậy, nên xem xét bỏ điều này", doanh nghiệp cho hay.

Thương nhân phân phối chỉ lấy xăng dầu không quá 2 thương nhân đầu mối

Góp ý việc sửa đổi Nghị định 95, TS Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cũng có ý kiến về việc quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.

Theo ông, nên quy định mức chiết khấu tối thiểu và định mức chiết khấu cho mỗi khâu: Doanh nghiệp đầu mối bao nhiêu? Thương nhân phân phối bao nhiêu? Cửa hàng bán lẻ bao nhiêu?

Đối với cửa hàng bán lẻ nên quy định chiết khấu không nhỏ hơn 7% giá bán lẻ tại thời điểm công bố (3,5% là điểm hòa vốn; 3,5% còn lại là lợi nhuận để bảo toàn vốn và tái đầu tư phát triển) để đảm bảo cửa hàng bán lẻ không đóng cửa. Bởi đây là nơi trực tiếp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Về quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu, ông cho rằng, chỉ lấy xăng dầu ở không quá 2 thương nhân đầu mối. Bởi vì được lấy nhiều nơi nên không nơi nào có quan hệ ràng buộc. Do vậy, khi khan hàng là không nơi nào chịu trách nhiệm cung cấp hàng. 

Quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo ông Giang Chấn Tây, được quyền ngưng nhập hàng bán nếu cơ quan điều hành tính giá bán lẻ bất hợp lý có nguy cơ gây lỗ trong vòng 30 ngày mà không điều chỉnh và có thông báo cho cơ quan điều hành trước 10 ngày (thời gian 30 ngày là theo chỉ đạo của Chính phủ).

TS Giang Chấn Tây cũng đề nghị giao toàn bộ phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương để quản lý và điều hành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn