MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải quan tâm đến cả lợi ích của các bên liên quan. Ảnh minh hoạ: LĐO.

Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt phải hài hòa lợi ích của các bên

Tuyết Lan LDO | 18/11/2023 08:16

Xây dựng chính sách về Luật thuế tiêu thụ đặc biệt không chỉ để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng mà phải quan tâm đến cả lợi ích của các bên liên quan. Chuyên gia cho rằng, nếu đánh thuế quá cao, các nhà sản xuất nhỏ bị phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu.

Ngày 17.11 tại Ninh Bình, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã tổ chức hội thảo “Trao đổi về một số nội dung của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt”.

Đại diện Bộ Tài chính thông tin, mục tiêu cụ thể của việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm mở rộng cơ sở thu thuế, hạn chế nhập khẩu, sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, môi trường; cũng như điều chỉnh bất cập trong quy định hiện hành để bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật.

Về định hướng sửa đổi, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tập trung mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và áp dụng thuế suất phù hợp.

Đồng thời, việc sửa đổi cũng nhằm điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khỏe, trong đó nghiên cứu bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối với mặt hàng thuốc lá; nghiên cứu tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng có hại cho sức khoẻ.

Theo các chuyên gia, khi điều chỉnh chính sách thuế cần phải thận trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng vì nó tác động trực tiếp đến nhà sản xuất và người tiêu dùng. Trong đó, nếu chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp cần thực hiện theo một lộ trình phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thay đổi để thích ứng với chính sách mới.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính, một cơ cấu thuế hiệu quả là có khả năng cân bằng các mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và tạo ra nguồn thu thuế bền vững, đồng thời kiểm soát được việc tiêu dùng bất hợp pháp.

PGS. TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, cần xác định rõ việc cải cách Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm các mục tiêu tăng thu ngân sách, hạn chế ngoại ứng tiêu cực, đảm bảo công khai minh bạch khi thu thuế, hỗ trợ sản xuất, công bằng trong sản xuất và tiêu dùng… Việt Nam là nước đang phát triển nên có thể nghiên cứu phương án tính thuế hỗn hợp, tuy nhiên phải có lộ trình phù hợp. Hiện, trong dự thảo luật mới chỉ đề xuất áp dụng với sản phẩm thuốc lá, còn với rượu bia thì đang trong quá trình nghiên cứu.

"Muốn đánh giá được tác động của chính sách này thì phải xem trên góc độ tổng thể, việc tăng thuế như vậy có ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng không thì đã đành nhưng cũng phải nghiên cứu có ảnh hưởng đến nhà sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm đó hay không?" - ông Cường cho hay.

Phân tích cụ thể, PGS. TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, khi sử dụng phương pháp hỗn hợp sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nhỏ, họ sẽ bị thiệt hại và bất lợi hơn so với các đơn vị lớn.

Trên cơ sở đó, ông Cường cho rằng cần phải có lộ trình để áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với sản phẩm đồ uống có cồn và thuốc lá.

PGS. TS Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh, khi xây dựng chính sách, chúng ta phải nghiên cứu tổng thể, không chỉ là điều chỉnh hành vi người tiêu dùng mà phải quan tâm đến cả lợi ích của các bên liên quan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn