MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuẩn bị chất lượng lao động cho tăng trưởng xanh. Ảnh: Nguyễn nam

Sức cạnh tranh của Việt Nam trong cuộc đua FDI

Quý An LDO | 17/08/2023 06:29

Trước xu hướng FDI đang giảm trên thế giới, Việt Nam cần phải có những giải pháp phù hợp để tiếp tục phát triển kinh tế.

Kinh tế toàn cầu phục hồi

Kinh tế thế giới đang có những bước phục hồi mạnh mẽ. Nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu tích cực với tốc độ tăng trưởng 2,4% trong quý II/2023 vượt mong đợi. Lạm phát đã giảm xuống mức 3%. Giá cổ phiếu đã tăng trở lại. Bên kia Đại Tây Dương, lạm phát tại khu vực EU đã giảm xuống 5,3% trong tháng 7. Lạm phát lõi (loại trừ giá năng lượng và lương thực) không đổi ở mức 5,5%. Tuy nhiên, lĩnh vực dịch vụ vẫn đang chịu áp lực giá cả.

Hòa chung vào những dấu hiệu tích cực toàn cầu, tính từ đầu năm đến tháng 7.2023, tổng vốn FDI vào Việt Nam đã cải thiện rất nhiều so với mức giảm 7,1% trong cùng kỳ 2022. Trong đó, các nhà đầu tư châu Á vẫn chiếm tỉ trọng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… với 78,2% tổng vốn FDI đăng ký của cả nước trong 7 tháng năm 2023.

Tốc độ tăng số dự án mới (tăng 75,5%) lớn hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới (tăng 38,6%). Điều này cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài quy mô vừa và nhỏ vẫn quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam và đưa ra các quyết định đầu tư mới.

Ở góc độ rộng hơn, sau khi phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, vốn FDI toàn cầu đã giảm 12% vào năm 2022 xuống còn 1.300 tỉ USD, chủ yếu do xung đột Ukraina, giá lương thực và năng lượng leo cao cũng như nợ công tăng vọt.

Suy giảm rõ rệt nhất ở các nền kinh tế phát triển với lượng FDI giảm 37% xuống còn 378 tỉ USD. Tuy nhiên, dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển tăng 4% với sự không đồng đều giữa các nền kinh tế mới nổi và các nước kém phát triển.

Kỳ vọng từ chuyển đổi xanh

Điều tích cực là lượng FDI đổ vào dự án đầu tư lĩnh vực xanh đã tăng 15% ở hầu hết các khu vực và lĩnh vực. Các ngành đang vật lộn về chuỗi cung ứng như điện tử, chất bán dẫn, ôtô đã chứng kiến sự gia tăng số lượng dự án, trong khi lượng FDI đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số chậm lại.

Đầu tư quốc tế vào sản xuất năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời và gió, cũng tiếp tục tăng. Đáng chú ý, các dự án sản xuất pin xe điện đã tăng gấp ba lần, lên hơn 100 tỉ USD.

FDI cho các lĩnh vực vì mục tiêu phát triển bền vững (SDG) ở các nước đang phát triển cũng ghi nhận tăng trưởng về số lượng dự án ngày càng tăng, cơ sở hạ tầng, năng lượng, nước, nông sản, y tế, giáo dục.

Báo cáo của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho thấy, Việt Nam nằm trong 10 nền kinh tế đang phát triển về đầu tư cho năng lượng tái tạo với 106,8 tỉ USD, chỉ xếp sau Brazil (114,8 tỉ USD) và vượt qua nhiều quốc gia khác như Chile, Ấn Độ, Ai Cập, Mexico…

Trước những yêu cầu phát triển mới, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy “xanh hóa” nền kinh tế khi đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới trong bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia có dấu hiệu chậm lại, một trong những giải pháp được áp dụng là tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản cũng như đẩy mạnh cải cách hành chính.

Nguồn lao động, hạ tầng giao thông cũng cần phải nâng cao chất lượng; chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy và bổ sung quỹ đất sạch, rà soát quy hoạch điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn