MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sang quý I/2022 doanh nghiệp thép dù không còn lãi "khủng" như năm 2021 tuy nhiên nhìn chung vẫn rất tích cực. Ảnh: TL.

“Sức khỏe” doanh nghiệp niêm yết quý I/2022: Khoảng sáng lan tỏa rộng

Thế Lâm LDO | 10/05/2022 06:24

Theo thống kê, số doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX là 418. Tính tới thời điểm này, đại đa số đã công bố báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh quý I/2022.

Trong đó, số doanh nghiệp công bố báo cáo có lãi đạt 358, tương ứng 86,7%; số doanh nghiệp báo cáo lỗ là 32, tương ứng 7,1%;  còn 28 doanh nghiệp chưa công bố, tương ứng tỉ lệ 6,1%.

Nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành ghi nhận tình hình kinh doanh khả quan, tăng trưởng tốt, lợi nhuận không chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2021 mà thậm chí còn tạo đỉnh mới.

Đáng chú ý chính là khối ngân hàng. Theo thống kê bước đầu, trong 16 ngân hàng niêm yết, có 14 ngân hàng đạt lợi nhuận cao hơn cùng kỳ (chỉ có 2 ngân hàng đạt lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ). Trong đó có trường hợp như VPB đạt lợi nhuận quý I/2022 cao gần gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.

Hay như nhóm ngành chứng khoán, cổ phiếu ngành chứng khoán trên sàn cho dù lao dốc mạnh từ tuần cuối tháng 11.2021 tới nay đã hơn 5 tháng, khiến cho đa phần mã cổ phiếu chứng khoán đã mất giá trên dưới 40% so với mức giá đỉnh, trong đó có một số cổ phiếu mất giá tới trên 50%. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý I/2022 của nhiều công ty chứng khoán với mức lợi nhuận vẫn tiếp tục thiết lập đỉnh mới, như SSI, VND, VCI…

Có một sự tương phản giữa kết quả hoạt động kinh doanh quý I/2022 trên thị trường chứng khoán Việt Nam với diễn biến của chỉ số VN-Index từ tháng 4.2022 trở lại đây. Cụ thể, chỉ số liên tục giảm và giảm mạnh, cho tới phiên giao dịch ngày 9.5, VN-Index đã lùi về mức 1.269,62 điểm, mất khoảng 254 điểm so với mức đỉnh 1.524 điểm, tương ứng mức giảm  hơn 16%.

Trên sàn HNX có tổng cộng 348 doanh nghiệp niêm yết, tới thời điểm này đã có 286 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh có lãi (82,8%); 48 doanh nghiệp (13,1%) công bố lỗ và 14 doanh nghiệp (4%) chưa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022.

Theo Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), có một thực tế trên thị trường chứng khoán là tâm lý lo ngại của nhà đầu tư về lạm phát và lãi suất tín dụng tăng dẫn đến bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp khi biên lợi nhuận giảm và giá vốn hàng bán tăng.

Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 của một số doanh nghiệp niêm yết đã thể hiện rõ yếu tố chi phí bán hàng tăng đã bào mòn lợi nhuận. Tuy nhiên, “sức khỏe” của doanh nghiệp niêm yết nói chung vẫn cho thấy đang hồi phục và tăng trưởng trở lại chiếm ưu thế.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán MB (MBS), phiên giao dịch ngày 9.5 chỉ số chứng khoán VN-Index kết phiên giảm về đáy cũ với hàng trăm mã cổ phiếu giảm sàn bất kể kết quả kinh doanh tốt hay xấu.

Điều đó cho thấy, thị trường chứng khoán với VN-Index giảm điểm dài và nhiều phiên giảm mạnh (đơn cử phiên ngày 25.4, 9.5 đều giảm hơn 4%) đôi khi nằm ngoài yếu tố kết quả kinh doanh hay “sức khỏe” nội tại của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam, mà bị tác động bởi các yếu tố địa chính trị tại Ukraina, phong tỏa vì COVID-19 tại Trung Quốc… khiến cho giá nhiều loại hàng hóa tăng sốc đẩy lạm phát lên mức kỷ lục, như tại Mỹ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn