MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sức mua tại các siêu thị ở TPHCM tăng cao dịp cận Tết. Ảnh: Ngọc Lê

Sức mua bắt đầu tăng - triển vọng tích cực từ thị trường

NGỌC LÊ LDO | 30/01/2024 07:52

Còn khoảng 10 ngày nữa là tới Tết Nguyên đán 2024, sức mua tại một số siêu thị tại TPHCM tăng đáng kể. Đại diện các siêu thị cho biết, người dân tập trung mua sắm bánh kẹo, quần áo, thực phẩm, quà tặng... do có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Hàng hoá dồi dào, mức giá hấp dẫn

Ghi nhận tại các hệ thống siêu thị ở TPHCM như MM Mega Market, Co.opmart, Lotte… lượng khách tới mua sắm khá nhộn nhịp đông đúc hơn so với ngày thường.

Mua sắm tại siêu thị Co.opmart Cống Quỳnh (Quận 1), chị Lâm Ngọc sống tại Quận 10 chia sẻ: “Thời điểm này tôi thấy không khí Tết khá rộn ràng tại các siêu thị. Các mặt hàng bày bán tại đây khá đa dạng, nhiều khuyến mãi. Vào một số khung giờ siêu thị khá đông khách phải chờ khoảng 15-20 phút để thanh toán”.

Qua đánh giá của người dân, năm nay, các mặt hàng có mức giá tương đương các năm trước. Nhiều giỏ hàng mẫu mới, vừa túi tiền cũng được các nhà bán lẻ tung ra để phục vụ người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, lượng khách mua sắm Tết đang tăng dần. Phía đơn vị cũng đang triển khai các chương trình giá tốt, nhiều ưu đãi với đa dạng mặt hàng… để hỗ trợ người tiêu dùng.
Tương tự, hệ thống Lotte Mart sức mua tăng khoảng 22,5% so với 1 tháng trước, dự kiến, tăng đến 30% trong 10 ngày cao điểm trước Tết.

Tại hệ thống siêu thị MM Mega Market, sức mua mảng bán lẻ tăng gần 10% so với cùng kỳ trước Tết Âm lịch 2023. Phía chuỗi siêu thị Co.opmart đơn hàng online đang tăng 50%, được xử lý và giao ngay trong ngày. Các nhà bán lẻ cũng thông tin, hiện người mua đang tập trung vào các mặt hàng như: Bánh, mứt, nước ngọt, hộp quà Tết…

Trao đổi với Lao Động, ông Phan Đức Thông - Giám đốc Aeon Mall Bình Tân (quận Bình Tân) - cho biết, năm nay chúng tôi có tăng lượng hàng dự trữ lên 10% so với năm ngoái.

Đồng thời, có nhiều khuyến mãi, ưu đãi để ổn định giá, giúp khách hàng mua sắm nhiều hơn.

“Liên quan đến việc mua sắm, siêu thị cũng đảm bảo nguồn cung cho khách thông qua mua sắm qua zalo. Sức mua đối với hàng thực phẩm tăng nhẹ, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh khoảng 50% so với năm ngoái. Thời điểm trước Tết khoảng 2 tuần sức mua sẽ tăng nhanh” - ông Thông cho hay.

Giám sát chặt chẽ giá cả

Thông tin từ Sở Công Thương TPHCM cho biết, năm nay, có những thuận lợi về thời tiết nên sản lượng hàng hoá sản xuất tăng cao. Thành phố có 45 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán. Đây là những doanh nghiệp hàng đầu, có quy mô lớn, thương hiệu mạnh, chiếm lĩnh thị phần cao.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - cho biết: “Các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường cũng tính toán việc chăm lo cho thành phần yếu thế, người lao động thu nhập thấp được nhận lương thưởng cận Tết. Do đó, các doanh nghiệp đã thiết kế giảm giá sâu với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm... Trong hai ngày 28 và 29 Âm lịch sẽ có giảm giá sâu, để phục vụ người tiêu dùng tốt hơn”.

Ngoài ra, chương trình bình ổn thị trường do đơn vị xây dựng và tham mưu UBND TPHCM đã được lên kế hoạch từ giữa năm 2023 là không điều chỉnh giá. Ngành Công Thương nỗ lực không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, tăng giá mùa Tết.

Đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng thông tin: "Tháng 1.2024 là thời điểm cận Tết Nguyên đán, hoạt động kinh doanh hàng hóa có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao dẫn đến tình hình buôn lậu, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng cũng tăng mạnh".

Trước diễn biến của thị trường thời điểm giáp Tết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, UBND TPHCM, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TPHCM đã chỉ đạo quyết liệt các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác nắm tình hình tại địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận khác.

Đồng thời, chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu, lương thực, thực phẩm… Kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu trong thương mại điện tử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn