MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sức mua ồ ạt, người Việt Nam đã đổ tiền mua 43 tấn vàng trong năm qua

Đức Mạnh LDO | 08/02/2022 19:00

Nhu cầu vàng tại Việt Nam và trên toàn cầu đã ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng trong suốt năm 2021. Các chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tiếp tục rung lắc trước những bất ổn về kinh tế, chính trị và COVID-19 kéo dài.

Người Việt tiêu thụ tổng cộng 43 tấn vàng trong năm 2021

Theo Báo cáo xu hướng nhu cầu vàng mới nhất của Hội đồng vàng thế giới (WGC), nhu cầu về trang sức ở Việt Nam ghi nhận đạt 12 tấn trong năm 2021, cao hơn 11% so với con số 11 tấn trong năm 2020. Tuy nhiên, nhu cầu vàng trong quý IV giảm còn 2 tấn, thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm ngoái do thị trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.

Đầu tư bán lẻ trong quý IV tại Việt Nam giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 6 tấn. Dù tình hình phong tỏa bắt đầu bớt căng thẳng vào tháng 10, nhưng những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch đã khiến người tiêu dùng thận trọng trong việc mua sắm tài sản giá trị cao.

Trong năm 2021, nhu cầu về vàng miếng và vàng xu ở Việt Nam đạt 31 tấn, tăng nhẹ so với 29 tấn được mua trong năm 2020. Nhu cầu gia tăng một phần do lo ngại về lạm phát, lãi suất tiết kiệm giảm và tiền Việt Nam đồng yếu đi.

Nhận định về xu hướng này, ông Andrew Naylor - Giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) tại WGC - cho biết: "Dù nhiều người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra thận trọng khi mua hàng hóa giá trị cao do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, doanh số bán hàng tăng mạnh vào tháng 11 nhờ các chiến dịch khuyến mại và mùa cưới.

Các cột mốc quan trọng về văn hóa, cùng với sự phục hồi niềm tin của người tiêu dùng đã khiến nhu cầu tiêu dùng vàng cả năm của Việt Nam tăng lên đáng kể".

Nhu cầu vàng thế giới tăng bất chấp nguồn cung ngày càng cạn kiệt

Nhu cầu vàng toàn cầu trong suốt năm 2021 tăng lên 4.021 tấn. Đặc biệt là trong quý IV, nhu cầu vàng tăng gần 50% lên mức cao nhất trong 10 quý vừa qua.

Ngành sản xuất đồ trang sức đã phục hồi mạnh mẽ vào năm ngoái. Cụ thể tăng 67% lên 2.221 tấn để đáp ứng sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng đồ trang sức. Động thái này phần nào đến từ nhu cầu trong quý IV tới 713 tấn, ​​mức tiêu thụ đồ trang sức theo quý mạnh nhất kể từ quý II/2013.

Vàng được sử dụng trong công nghệ đã tăng 9% vào năm 2021, đạt mức cao nhất trong 3 năm qua là 330 tấn. Sản lượng quý IV giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 301 tấn đã đưa nguồn cung vàng tái chế hàng năm lên 1.150 tấn.

Các quỹ ETF vàng trên toàn cầu đã "bốc hơi" 173 nghìn tỉ vào năm 2021. Số liệu này trái ngược hẳn với mức tăng kỷ lục 874 nghìn tỉ của năm 2020. 

Tuy nhiên, lượng vàng rút ròng này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số 2.200 tấn ETF vàng đã tích lũy trong 5 năm trước đó. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục chú trọng việc đưa kim loại quý vào danh mục đầu tư của mình.

  Nhu cầu vàng theo từng hạng mục. Ảnh: WGC

Nhu cầu vàng miếng và vàng xu đạt 1.180 tấn, tăng 31% lên mức cao nhất trong 8 năm. Các nhà đầu tư bán lẻ đã đều tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát gia tăng và bất ổn kinh tế đang diễn ra do đại dịch COVID-19.

Các ngân hàng trung ương đã tích lũy tổng cộng 463 tấn vàng suốt năm 2021, cao hơn 82% so với tổng số năm 2020 và nâng dự trữ toàn cầu lên mức cao nhất gần 30 năm. Tốc độ mua  ròng chậm lại vào nửa cuối năm, giảm 22% trong quý IV so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021 là năm thứ 12 liên tiếp các ngân hàng trung ương mua ròng với khối lượng tổng cộng 5.692 tấn. Theo dữ liệu từ IMF, dự trữ vàng của ngân hàng trung ương toàn cầu đã tăng lên mức 35.600 tấn trong năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 1992.

Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương. Ảnh: WGC 

Tổng nguồn cung vàng trong năm 2021 giảm 1% so với năm ngoái. Đây là năm giảm thứ 2 liên tiếp và là đợt giảm liên tục đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Dù sản lượng khai thác của các mỏ vàng đã tăng lên 3.561 tấn nhưng nó vẫn thấp hơn so với năm 2019.

  Sản lượng khai thác vàng hồi phục đáng kể trong năm 2021 nhưng vẫn giữ ở mức đỉnh thấp. Ảnh: WGC

Triển vọng trong năm 2022 tới từ nhu cầu trú ẩn an toàn

Theo WGC, nhu cầu đầu tư, nhất là từ các công cụ tài chính như ETF vàng, hợp đồng mua bán không cần kê đơn hoặc các công cụ phái sinh được giao dịch trao đổi thường được tin là có tác động đến giá vàng. Tuy nhiên, diễn biến giá ngắn hạn còn có xu hướng phản ứng với lãi suất, lạm phát và tỉ giá hối đoái.

WGC tin rằng kim loại quý vẫn có thể nhận được sự hỗ trợ tích cực vào năm 2022 từ các thị trường trang sức quan trọng như Ấn Độ. Tuy nhiên, khả năng kinh tế Trung Quốc suy thoái có thể hạn chế đà hỗ trợ từ nhu cầu vàng trang sức trong nước.

Bên cạnh đó, nhu cầu vàng của ngân hàng trung ương đã tăng trở lại. Là một phần của dự trữ ngoại hối, kết hợp với môi trường lãi suất thấp, vàng đang dần trở nên hấp dẫn.

Lãi suất danh nghĩa cao hơn và khả năng đồng đô la tăng giá sẽ là lực cản lớn tới kim loại quý trong năm 2022. Bù lại, 3 yếu tố hỗ trợ sẽ bao gồm: Lạm phát cao kéo dài; thị trường biến động vì COVID-19, địa chính trị...; nhu cầu mạnh mẽ từ các lĩnh vực khác như ngân hàng trung ương và đồ trang sức.

Sau cùng, WGC cho rằng vai trò phòng ngừa rủi ro của vàng sẽ là yếu tố hấp dẫn với các nhà đầu tư trong năm nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn