MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
10 giờ sáng mà sạp thịt này vẫn còn gần như nguyên. Ảnh: Minh Hạnh

Sức mua suy giảm, tiểu thương gặp khó

Đỗ Hạnh LDO | 04/03/2023 06:25

Chi phí đầu vào tăng cao, sức mua giảm khiến nhiều hộ kinh doanh tại một số trung tâm thương mại phải đóng cửa. Các tiểu thương ở nhiều chợ truyền thống cũng đang gặp khó khi sức mua của người dân giảm.

Chợ vắng khách, sức mua giảm mạnh

Theo chị Phạm Thị Hạnh - một hộ kinh doanh quần áo tại chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) - so với cùng kỳ mọi năm, lượng khách mua hàng hiện rất thấp. Cùng với đó, chi phí cho thuê mặt bằng và các chi phí khác tăng, khiến các cửa hàng phải tính toán cắt giảm tối đa chi phí, không tăng giá bán, đa dạng mặt hàng và phương thức thanh toán giúp thuận tiện cho người mua. Các hộ kinh doanh đẩy mạnh bán hàng qua Zalo, Facebook và giao hàng tận nhà miễn phí… để giữ khách hàng, cải thiện tình cảnh ế ẩm.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hai tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt khoảng 994.000 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 77,7% quy mô ước tính trong điều kiện bình thường không xảy ra dịch COVID-19.

Theo anh Trần Văn Quang, kinh doanh thịt tại chợ Nam Trung Yên (Hà Nội), hiện lượng hàng bán ra mỗi ngày chỉ bằng 1/6 so với trước dịch. Vào thời điểm trước năm 2019, mỗi ngày nhà anh bán 3-4 con lợn. Khi dịch COVID-19 xảy ra, lượng bán ít dần và thời điểm này lượng khách đến các hàng cũng ít nên lượng bán ra thấp. Cứ nghĩ hết dịch, tình hình sẽ cải thiện, nhưng năm nay, khách càng vắng hơn.

Các chuyên gia nhận định, diễn biến phức tạp trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới nền kinh tế. Thống kê bình quân hai tháng đầu năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Giá cả cao đã ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người buộc họ phải thắt chặt hầu bao.

Các chuyên gia nhận định, dự báo năm 2023 sẽ là một năm nhiều khó khăn của nền kinh tế, trong đó có hoạt động bán lẻ.

Mua bán online tiện lợi, Trung tâm thương mại ế ẩm

Theo ghi nhận, hiện nhiều kiôt tại các trung tâm thương mại phải đóng cửa do chi phí cao, doanh thu hàng hóa bán ra không đủ chi phí. Hàng hóa bão hòa, từ các sản phẩm cao cấp đến các sản phẩm bình dân, do đó khách hàng có nhiều cơ hội để lựa chọn. Bên cạnh đó, việc mua bán online thuận lợi càng khiến hàng hóa tại các trung tâm thương mại thêm ế ẩm. Chị Ninh Thị Tâm - chủ gian hàng kinh doanh tại một Trung tâm thương mại - cho biết, việc kinh doanh trong các trung tâm thương mại ngoài tiền thuê mặt bằng, còn phải chịu nhiều khoản phí vận hành và tiền cọc. Việc thuê và mở được một gian hàng trong trung tâm thương mại ít nhất phải đầu tư từ 3-4 tỉ đồng, trong đó riêng tiền cọc đã khoảng 1 tỉ đồng. Chưa kể, một số trung tâm thương mại còn yêu cầu trả phần trăm (%) doanh thu bán hàng.

Cùng chia sẻ, chị Nguyễn Thị Ngát - kinh doanh quần áo thời trang cao cấp - cho rằng giảm được chi phí cọc là một khoản tiền lớn, nếu đem đầu tư vào hàng hóa và chạy truyền thông trên mạng xã hội sẽ có lợi hơn rất nhiều. Trong khi đó, hiện xu hướng mua sắm trực tuyến đang được nhiều người quan tâm. Thay vì mất thời gian vào các trung tâm thương mại, họ ngồi nhà vào các trang mua sắm trực tuyến uy tín để tìm hàng hóa và so sánh chất lượng cũng như giá cả rất tiện lợi.

Theo TS Tuấn Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), hiện mạng xã hội rất đa dạng về hình thức bán hàng, đa dạng về phương thức thanh toán. Trong khi đó, hàng hóa tại các trung tâm thương mại tuy nhiều, đa dạng nhưng mất công đi lại lựa chọn mất nhiều thời gian. Do đó, buộc các nhà kinh doanh phải chuyển đổi theo nhu cầu của khách hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn