MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

SVB phá sản vì không nghe cảnh báo của FED

Quý An (The New York Times) LDO | 20/03/2023 13:42
Theo đó, SVB đã sử dụng một mô hình không chính xác vì ngân hàng này đã sai lầm khi đánh giá rủi ro trong bối cảnh lãi suất.

Các hoạt động có tính chất rủi ro của Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank – SVB) đã nằm trong tầm ngắm của Cục Dự trữ Liên bang (FED) trong hơn 1 năm, nhưng chừng đó thời gian là không đủ để ngăn chặn sự sụp đổ.

Trước đó, FED đã liên tục cảnh báo SVB rằng ngân hàng này đang có vấn đề.

Vào năm 2021, FED đã phát hiện những điểm yếu nghiêm trọng trong cách SVB xử lý các rủi ro. Các giám sát viên tại FED San Francisco đã đưa ra 6 cảnh báo, được gọi là “các vấn đề cần chú ý” và “các vấn đề cần chú ý ngay lập tức”, cho thấy công ty đang làm rất tệ trong việc đảm bảo sẽ có đủ tiền mặt lưu động.

Song, SVB không hề lấp những lỗ hổng được chỉ ra. Đến tháng 7.2022, SVB đã được đánh giá giám sát đầy đủ và cuối cùng bị đánh giá là kém hiệu quả về quản trị và kiểm soát.

Mùa thu năm ngoái, các nhân viên của FED San Francisco đã gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của SVB để nói về khả năng tiếp cận đủ tiền mặt khi khủng hoảng và khả năng chịu thua lỗ khi lãi suất tăng.

FED đã nhận ra SVB đang sử dụng các mô hình không phù hợp để xác định hoạt động kinh doanh của mình sẽ diễn ra như thế nào khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất: Các nhà lãnh đạo của SVB cho rằng, doanh thu lãi cao hơn sẽ giúp ích đáng kể cho tình hình tài chính khi lãi suất tăng, nhưng điều đó đã không xảy ra.

FED đã chỉ ra những vấn đề tại SVB song ngân hàng này không nghe theo. Ảnh: Xinhua

Đến đầu năm 2023, SVB nằm trong cái mà FED gọi là “đánh giá theo chiều ngang”, một đánh giá sức mạnh về quản lý rủi ro. Lần kiểm tra đó đã xác định được những thiếu sót phát sinh. Nhưng trong chính thời điểm này, số mệnh của SVB đã được định đoạt.

Vào đầu tháng 3, SVB phải đối mặt với một cuộc tháo chạy, gây ra làn sóng chấn động khắp hệ thống ngân hàng rộng lớn hơn của Mỹ, cuối cùng dẫn đến sự can thiệp sâu rộng của chính phủ nhằm ngăn hoảng loạn lan rộng.

Cuối tuần qua, Credit Suisse, bị cuốn vào cơn hoảng loạn sau sự sụp đổ của SVB, đã được ngân hàng UBS tiếp quản trong một thỏa thuận do chính phủ Thụy Sĩ thực hiện.

Các câu hỏi lớn đã được đặt ra về lý do tại sao các cơ quan quản lý không phát hiện ra vấn đề và hành động đủ sớm để ngăn chặn sự sụp đổ của SVB vào ngày 10.3.

Nhiều vấn đề góp phần vào sự sụp đổ của ngân hàng này có vẻ hiển nhiên khi nhìn lại: Đo lường theo giá trị, đã có khoảng 97% tiền gửi không được chính phủ liên bang bảo hiểm, khiến khách hàng có nhiều khả năng bỏ chạy khi manh nha xuất hiện các vấn đề.

Bên cạnh đó, SVB cũng nắm giữ nhiều khoản nợ dài hạn đã bị giảm giá trị thị trường khi FED tăng lãi suất để chống lạm phát. Hệ quả là ngân hàng này phải đối mặt với khoản lỗ lớn khi phải bán chứng khoán để huy động tiền mặt nhằm đáp ứng làn sóng rút tiền từ khách hàng.

FED đã bắt đầu một cuộc điều tra về những sai sót trong quá trình giám sát của ngân hàng, đứng đầu là Michael S. Barr, Phó Chủ tịch giám sát của FED. Kết quả của cuộc điều tra dự kiến sẽ được công bố vào ngày 1 tháng 5.

Các nhà lập pháp cũng đang tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra. Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ đã lên lịch điều trần về các vụ sụp đổ ngân hàng gần đây vào ngày 29.3 tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn