MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tỉnh Long An hiện còn tồn kho hơn 3.000 tấn thanh long chưa tìm được đầu ra. Ảnh: An Long

“Tắc” ở cửa khẩu, Long An đau đầu tiêu thụ hàng ngàn tấn thanh long

An Long LDO | 04/01/2022 18:24
Long An - Những ngày qua, việc xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc bị ùn tắc tại cửa khẩu khiến việc tiêu thụ thanh long gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi hơn 3.000 tấn thanh long đang tồn kho tại Long An chưa có đầu ra thì chỉ trong vài ngày tới, tỉnh này sẽ có thêm hàng ngàn tấn thanh long đến kỳ thu hoạch khiến địa phương đau đầu tìm đường tiêu thụ giúp nông dân.

Hơn 3.000 tấn thanh long nằm kho

Ngày 4.1, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An Nguyễn Quốc Trịnh cho biết, địa phương có khoảng 10.000ha diện tích trồng thanh long, trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Châu Thành với hơn 9.000ha. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Long An hiện có 117 kho thanh long, trong đó có 100 kho đông lạnh với tổng công suất khoảng hơn 5.000 tấn.

“Tuy nhiên lượng thanh long đang tồn kho hiện nay đã hơn 3.000 tấn, chỉ còn sức chứa khoảng 2.000 tấn. Do việc xuất sang Trung Quốc đang gặp khó ở cửa khẩu nên các nhà kho dù còn có chỗ trữ cũng không dám mua thêm. Nếu mua thì cũng không biết tiêu thụ ở đâu”, ông Trịnh nói.

Theo ông Trần Thái Long, quản lý nhà kho thanh long Hồng Nguyên Long, công ty đã đồng hành với người dân trồng thanh long ở địa phương nhiều năm qua. Có nhiều thời điểm giá thấp, đầu ra vướng mắc, khó khăn, công ty cũng cố gắng thu mua trữ tại kho rồi tìm đầu ra sau để giảm bớt thiệt hại cho nông dân.

“Hệ thống nhà kho đông lạnh của công ty có sức chứa khoảng 300 tấn thanh long. Tuy nhiên trong bối cảnh thanh long xuất sang thị trường Trung Quốc không được như hiện nay thì công ty cũng không thể làm được gì hơn. Thời điểm hiện tại, trong kho vẫn đang còn tồn khoảng 150 tấn chưa thể tiêu thụ được nên công ty không thể tiếp tục mua thêm", ông Long nói.

Hơn 3.000 tấn thanh long đang tồn kho, Long An chuẩn bị thu hoạch thêm hàng ngàn tấn thanh long khiến địa phương đau đầu tìm đầu ra. Ảnh: An Long

Ông Nguyễn Văn Tâm, một hộ trồng thanh long ở huyện Châu Thành rầu rĩ: “Nông dân trồng thanh long rất trông mong vào thời điểm này. Thông thường hàng năm, thời điểm trái vụ, quả thanh long có giá cao nhất. Tuy nhiên, từ khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, đồng loạt các kho thanh long trên địa bàn đã tạm dừng thu nhận hàng”.

Trước đó, ngày 27 - 28.12 vừa qua, các thương lái đã tập trung yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua từ phía người dân.

Ông Nguyễn Văn Khải - Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - cho biết, ngày 31.12, ngành công thương phối hợp cùng UBND huyện Châu Thành, Hiệp hội Thanh long Long An và một số doanh nghiệp tìm hướng giải quyết. Theo đó, trước mắt một số công ty, doanh nghiệp đã hủy đơn đặt hàng với thương lái, phải hỗ trợ 3.000 đồng/kg thanh long không lấy hàng.

“Đau đầu” tìm đầu ra

Trước việc trái thanh long xuất sang cửa khẩu phía Bắc không được, đơn vị thu mua hủy hợp đồng khiến nông dân có thanh long đang và gần vào đợt thu hoạch càng thêm lo lắng.

Ông Khải cho biết, hiện tại ở địa phương, vẫn có thương lái thu mua thanh long của nông dân với giá 3.000 đến 4.000/kg để bán ở trong nước, nhưng số lượng rất nhỏ lẻ.

Trong bối cảnh thanh long không xuất vào được thị trường Trung Quốc, thì điều lo lắng là trong tuần tới, tại  huyện Châu Thành có khoảng 3.000 đến 4.000 tấn thanh long sẽ vào vụ thu hoạch. Với tình hình khó khăn về đầu ra như hiện tại, những nông dân có thanh long thu hoạch đợt này cũng đang rất rầu rĩ, lo lắng.

Theo ông Khải, việc tiêu thụ thanh long ở địa phương hiện tại là cực kỳ khó khăn, nan giải. Hiện tại UBND huyện Châu Thành phối hợp cùng Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho trái thanh long qua các kênh bán hàng ở trong nước; trong đó sẽ phối hợp đưa thanh long đến những địa bàn đông dân cư, công nhân lao động như khu, cụm công nghiệp để tiêu thụ.  

“Biết rằng, việc tiêu thụ trong nước cũng sẽ rất khó khăn nhưng trong bối cảnh trái thanh long không thể xuất sang Trung Quốc như hiện tại thì đó vẫn là một giải pháp để giảm bớt thiệt hại cho người trồng thanh long”, ông Khải chia sẻ.

Ngoài ra, ngành công thương Long An yêu cầu doanh nghiệp, nhà vườn sản xuất hàng hóa phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Các doanh nghiệp tuyệt đối thực hiện nghiêm an toàn COVID-19 trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa, kiểm soát an toàn lao động sản xuất, bao bì, phương tiện, phun khử trùng hàng xuất khẩu theo quy định. Đồng thời, Sở Công Thương cũng yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hợp tác kinh doanh theo hợp đồng, thị trường, tránh sản xuất tự phát dẫn đến nhiều rủi ro.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn