MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tách thịt cua biển, hướng mở mới về đầu ra cho cua Cà Mau

NHẬT HỒ LDO | 15/06/2023 09:25

Cua biển Cà Mau gần như ai cũng biết, nhưng để ăn được không phải dễ do cua biển không thể để lâu, ăn dần. Thấy được điều này, tại Cà Mau, một cơ sở bóc tách thịt cua để đóng gói vận chuyển dễ dàng và có thể bảo quản lâu dài để sử dụng.

Cua Cà Mau đã được chứng nhận. Ảnh: Nhật Hồ

Chị Mai Thị Thùy Trang, Giám đốc Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm (xã Tam Giang, huyện Năm Căn) là người tiên phong trong việc mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho các sản phẩm cua Cà Mau.

Xuất phát từ sự trăn trở làm sao để sản phẩm cua Cà Mau có thể đi được xa hơn, nhiều người biết đến hơn, chị Trang đã bỏ phố về quê gây dựng sự nghiệp.

Thịt cua Cà Mau được đóng gói, đông lạnh đúng quy trình nên thời gian sử dụng lên đến 12 tháng. Ảnh: Nhật Hồ

Ban đầu, chị Trang cho thử nghiệm vài chục ký cua bóc vỏ, sau đó mang đi cấp đông để hoàn thiện quy trình.

Sau những lần thất bại, chị Trang dần đúc kết được những kinh nghiệm cho các khâu sản xuất của riêng mình. Hiện tại, cơ sở sản xuất của chị Trang giải quyết được việc làm cho hàng chục hộ dân ở địa phương.

Tách cua lấy thịt tại HTX Tài Thịnh Phát Farm. Ảnh: Nhật Hồ

Trung bình mỗi ký cua sau khi bóc vỏ sẽ được 150g thịt cua. Một trong những công đoạn khó và kỳ công nhất chính là làm sao để đẩy nhanh các công đoạn bóc tách vỏ để đảm bảo thịt cua tươi, đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gạch cua Cà Mau được HTX Tài Thịnh Phát Farm tách riêng bán cho các nhà hàng chuyên sử dụng gạch cua để chế biến bánh canh cua. Ảnh: Nhật Hồ

Chị Trang cho biết, chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất. Muốn có sản phẩm tốt nguồn nguyên liệu phải tốt, cua phải chất lượng.

Theo chị Trang, thịt cua sau khi bóc tách không sử dụng chất bảo quản, nhưng việc cấp đông đúng quy trình đã giúp cho sản phẩm có hạn sử dụng lên đến 1 năm, chất lượng thịt cua chỉ giảm từ 2% đến 4% so với cua tươi sống ăn trực tiếp.

Thịt cua Cà Mau sau khi được bóc tách. Ảnh: Nhật Hồ

Bên cạnh mục tiêu để mọi người biết đến nhiều hơn các sản phẩm từ cua Cà Mau, hợp tác xã còn giúp xây dựng ổn định vùng nguyên liệu, thu nhập cho hơn 50 hộ dân với gần 1.500 ha nuôi tôm cua ở huyện.

Ngoài bán các sản phẩm từ cua, tôm cho hợp tác xã, các thành viên và hộ dân liên kết còn có thể kiếm thu nhập 4 - 6 triệu đồng mỗi tháng từ nghề lột vỏ cua.

Trung bình mỗi ký cua Cà Mau sau khi bóc vỏ sẽ còn được 150g thịt. Ảnh: Nhật Hồ

Mỗi tháng, Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm sơ chế từ 500 đến 1.000 kg cua, đạt lợi nhuận từ 30 đến 40 triệu đồng. Mỗi giờ, người lột vỏ cua chuyện nghiệp sẽ lột được khoảng 2 kg cua thịt. Những sản phẩm như mai cua, gạch cua được chia ra để bán riêng cho các cơ sở kinh doanh ăn uống.

Hiện tại, bên cạnh sản phẩm thịt cua, hợp tác xã này còn phát triển 10 sản phẩm khác từ tôm cua có chứng nhận kiểm nghiệm của các cơ quan chuyên môn và được cấp giấy phép, chứng nhận an toàn thực phẩm, được tiêu thụ nhiều ở các siêu thị, các chợ trong nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn