MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài chính số, chìa khoá giúp người nghèo tiếp cận dịch vụ ngân hàng

Vân Trang LDO | 27/05/2023 07:54
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, tài chính số đã được chứng minh giúp giảm bớt các rào cản chính trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp người nghèo, người ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ tài chính. Việc thúc đẩy tài chính toàn diện sẽ đóng góp vào thực hiện các mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia. 

Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển thanh toán di động

Thời gian qua, hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam đã đưa ra những quyết sách để giúp khách hàng của mình là người nghèo và các đối tượng chính sách khác từng bước tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người nghèo ở Việt Nam, những người dân ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách bền vững, cho dù đó là các dịch vụ cơ bản như tiết kiệm, tín dụng hay bảo hiểm. Do đó, thách thức trước mắt là phải giải quyết được những rào cản giúp người nghèo tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, cải thiện cuộc sống. 

Ông Ketut Ariadi Kusuma - Chuyên gia tài chính cao cấp World Bank - cho biết, các cuộc khảo sát nhu cầu của người dân Việt Nam cho thấy, số người có nguồn thu nhập khá giả, tỉ lệ sở hữu thẻ ngân hàng là hơn 60%. Nhóm người dân có thu nhập thấp hơn, tỉ lệ sở hữu thẻ là 40%. Gần 9/10 người lớn trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng.

“Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển thanh toán di động” - chuyên gia tài chính cao cấp này cho biết. 

Bên cạnh những yếu tố trên, ông Ketut Ariadi Kusuma cho rằng, yếu tố quan trọng trong việc tăng cường tài chính số - thúc đẩy tài chính toàn diện cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam còn liên quan đến giáo dục tài chính. 

Các số liệu nghiên cứu cho thấy, nếu khoảng cách về mặt thu nhập là 21 điểm % thì khoảng trống về giáo dục tài chính cao gấp đôi, 42 điểm %. Điều này cho thấy, Việt Nam hiện đang đối mặt với những thách thức về giáo dục tài chính. Đây là thách thức với Việt Nam trong lĩnh vực tăng cường tài chính số.  Chúng tôi mong Việt Nam sẽ có những chương trình giáo dục tài chính trong thời gian tới” - ông nói.

Việc thúc đẩy tài chính toàn diện sẽ đóng góp vào thực hiện các mục tiêu của chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Trà My 

Tăng cường hợp tác, thúc đẩy toàn diện tài chính số 

Ông Hoàng Minh Tế - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH - cho biết, từ năm 2017, NHCSXH đã tiến hành triển khai công nghệ số vào hoạt động ngân hàng, bắt đầu với dịch vụ tin nhắn SMS với nội dung nhắc lịch trả nợ, nhắc nợ và số dư tài khoản hàng tháng, tiếp đó là thí điểm triển khai Ứng dụng Quản lí tín dụng chính sách dành cho những người làm công tác quản lí tín dụng chính sách và Tổ trưởng tổ Tiết kiệm Vay vốn và gần đây nhất là Ứng dụng VBSP SmartBanking. Qua đó, nâng cao được tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, giúp khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện, đồng thời cải thiện chất lượng tín dụng và tăng hiệu quả chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.

Ông Tô Huy Vũ - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước - nói: “Mặc dù nhiều kết quả đáng khích lệ đã đạt được nhờ có tài chính số, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra và cần có biện pháp củng cố như vấn đề về quản lí, giám sát, bảo mật, minh bạch thông tin, an toàn hệ thống, chất lượng cơ sở hạ tầng, cũng như niềm tin, hiểu biết, năng lực của khách hàng vào hệ thống tài chính - ngân hàng và bảo vệ người tiêu dùng tài chính để có thể tối đa hóa được những lợi ích mà tài chính toàn diện số mang lại”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn