MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài chính thông minh: Bạn đang ở đâu trên chặng đường tự do tài chính?

Đức Mạnh LDO | 08/07/2022 17:17

Tự do tài chính không phải nỗ lực nay mai mà là cả một hành trình dài để phấn đấu. Chuyên gia từ chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn) sẽ giúp bạn hiểu rõ vị trí của mình hiện tại và hướng đi trên con đường này.

GS.TS Andreas Stoffers hiện là Giám đốc quốc gia Quỹ Friedrich Naumann Foundation tại Việt Nam. Trước khi đến Việt Nam, ông từng có 18 năm kinh nghiệm làm việc tại các vị trí cấp cao của Ngân hàng Deutsche Bank tại Đức và Đông Nam Á. 

Trở lại với chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), ông Stoffers sẽ chia sẻ về 3 mục tiêu lớn trong hành trình tài chính của mỗi người. Không mục tiêu nào là bắt buộc, nhưng theo chuyên gia, sẽ thật tuyệt nếu bạn chinh phục được hết chúng, hay chí ít nhất là một.

GS.TS Andreas Stoffers chia sẻ về tự do tài chính trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn). 

1. An toàn tài chính

Mục tiêu đầu tiên trong tích lũy tài sản là đạt được an toàn tài chính. Điều này có nghĩa là bạn có thể cầm cự tốt qua một thời kỳ khó khăn, ví dụ như thất nghiệp hay công ty đóng cửa. An toàn tài chính cũng giúp bạn dễ dàng bỏ việc cũ và bình tĩnh tìm việc mới nếu chỗ làm hiện tại không như ý.

Để an toàn tài chính, bạn cần có quỹ tiết kiệm đủ 6 tháng, tốt nhất là 12 tháng. 

Để tính ra số tiền chính xác, hãy cộng tất cả các khoản thiết yếu hàng tháng. Nhân chúng với 6 hoặc 12 (tùy thuộc vào quỹ tiết kiệm mà bạn mong muốn).  

GS.TS Andreas Stoffers cho biết: "Nếu hiện tại không có đủ tiền và không biết cách nào để đạt được số tiền đã tính, điều đó không có nghĩa là bạn không nên đặt cho mình mục tiêu này. Hãy cứ làm đi, dù phải mất 5 năm hoặc lâu hơn mới đạt được. Nó chắc chắn sẽ rất xứng đáng."

2. Độc lập tài chính

Một khi chạm tới độc lập tài chính, bạn khó có thể sống xa xỉ đến cuối đời, nhưng ít nhất sẽ không bao giờ bị túng quẫn.

Để độc lập tài chính, hãy nhân chi tiêu thiết yếu hàng tháng với 200. 

Ví dụ, với mức chi tiêu tối thiểu hàng tháng là 5 triệu đồng, bạn sẽ cần khoảng 1 tỉ đồng. Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng nó quá phi lý.

Nhưng chuyên gia tài chính thông minh cho hay: "Chẳng qua là vốn khởi điểm của chúng ta nhỏ bé. Điều này thoạt nghe có vẻ khá nhiều, và đúng như vậy. Hãy nhớ rằng đây là mục tiêu mà bạn đang hướng tới trong vài năm sau. Có thể làm được nhanh, nhưng cũng có thể mất từ ​​10 đến 20 năm hoặc hơn nữa."

3. Tự do tài chính

Khi tự do tài chính, bạn có thể sống một cuộc đời thực sự đáng mơ ước mà không cần quan tâm về tiền bạc.

Để chạm đến nó, bạn cũng phải lập danh sách các khoản chi tiêu hàng tháng, trong trường hợp sẽ này bao gồm thêm cả nhu cầu xa xỉ. Sau đó nhân chúng với 200.

Ví dụ, thu nhập 20 triệu đồng/tháng, nhân với 200 sẽ ra kết quả 4 tỉ đồng.

"Đây là một số tiền rất lớn. Đối với đại đa số những người lao động thông thường tại Việt Nam, số tiền này là không tưởng. Ở đây tôi giả định mức thu nhập hàng tháng là 20 triệu. Với thu nhập cao hơn thì mục tiêu tài chính tất nhiên tăng lên tương xứng", ông nói.

Sau cùng, GS.TS Andreas Stoffers muốn nhấn mạnh rằng những mục tiêu này không buộc phải làm trong vài năm tới, mà đó là một hành trình dài. "Hãy luôn đặt cho mình những mục tiêu đầy tham vọng, nhất là trong lĩnh vực tiền bạc", ông nhắn nhủ.

Độc giả/khán giả có thể xem video Tài chính thông minh tại đường link sau.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và viện Friedrich Naumann Việt Nam (FNF). Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn