MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài chính thông minh: Bị áp lực đe doạ, người thân có phải trả thay con nợ?

Đức Mạnh LDO | 09/12/2022 19:22

Chia sẻ trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty luật Hừng Đông cho biết hành vi khủng bố về thể chất và tinh thần khi đòi nợ là hết sức nguy hiểm và bất hợp pháp. Tuỳ theo mức độ mà có thể bị phạt từ hàng chục triệu đồng đến xử lý hình sự.

Gọi điện đòi nợ đến cả vợ giám đốc

Anh Phan Anh (quận Long Biên, Hà Nội) vừa qua liên tục nhận được các tin nhắn không mấy dễ chịu từ một số điện thoại lạ. Đối tượng này yêu cầu anh "nhắc nhở và bố thí" cho anh P.D.T trả nợ gấp nếu không muốn bị phiền phức. Không những thông tin của người vay nợ mà số điện thoại và năm sinh của bố và mẹ cũng được ghi rõ. 

Theo chia sẻ, anh Phan Anh là Phó Giám đốc và anh P.D.T là công nhân tại nhà máy của anh. Anh T thiếu tiền trả nợ cá độ bóng đá nên đã túng quẫn vay nóng 50 triệu đồng từ một công ty tín dụng đen trôi nổi. Giấu vợ để vay và thiếu tiền trả đã khiến anh bị các đối tượng này tung tin đến khắp mọi số điện thoại trong danh bạ đã cung cấp cho chúng.

  Tin nhắn các đối tượng cho vay tín dụng đen gửi tới người thân của con nợ. Ảnh: Đức Mạnh

Không riêng anh Phan Anh, chị Anh Thư là vợ của Giám đốc nhà máy nơi anh T làm việc thậm chí còn bị gọi điện làm phiền. Chị cho biết: "Tôi đã ghi âm toàn bộ cuộc gọi để làm bằng chứng báo công an. Dù tôi nói như vậy nhưng các đối tượng này vẫn không buông tha mà vẫn gọi điện quấy rầy".

Hành vi nguy hiểm và bất hợp pháp

Trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty luật Hừng Đông - cho biết, theo quy định của Luật Dân sự, hợp đồng vay là thỏa thuận giữa người vay và người cho vay. Nếu họ đủ điều kiện, tức đủ 18 tuổi trở lên thì phải tự trả khoản vay của mình. Bố mẹ, người thân không có nghĩa vụ phải trả thay. Nếu là trường hợp nhờ vả, giúp đỡ thì họ có quyền chọn hoặc từ chối.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty luật Hừng Đông trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn). 

Về phía người vay nợ, ông Toại cho hay nếu bị khủng bố về mặt thể chất và tinh thần thì cần phải liên hệ tới các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu bị bôi nhọ trên không gian mạng, người vay cần gửi đơn đến Sở Thông tin Truyền thông hoặc Bộ Thông tin Truyền thông để tìm giải pháp.

Với những trường hợp bị đánh đập thì người vay cần làm đơn tố giác đến cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Theo đó, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên không gian mạng có thể bị xử phạt từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng. Hành vi tiết lộ bí mật đời tư, thông tin sai sự thật của người khác thì tùy mức độ có thể bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng. Nếu đủ yếu tố cấu thành hình sự thì có thể bị xử phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, nếu người cho vay với lãi suất cao hơn 5 lần trở lên và thu lợi bất chính từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng thì có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư nhấn mạnh: "Đây là hành vi hết sức nguy hiểm và bất hợp pháp. Đặc biệt là dịch vụ kinh doanh đòi nợ hiện tại bị cấm tại Việt Nam".

Xem thêm các tin bài trong chương trình Tài chính thông minh TẠI ĐÂY.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn