MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thùy Chi - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT. Ảnh: Đức Mạnh

Tài chính thông minh: Bí quyết chi tiêu mùa Tết với 30 triệu đồng

Đức Mạnh LDO | 13/01/2023 08:30

Chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn) cho rằng việc lập kế hoạch tài chính cụ thể, khoanh vùng các khoản thu - chi sẽ là yếu tố quan trọng để tận hưởng một kỳ nghỉ Tết thoải mái, trọn vẹn và phù hợp nhất.

Nên cắt giảm hay tiêu thả phanh cho Tết?

Sẽ khó có câu trả lời chung cho tất cả về việc nên cắt giảm tối đa hay chi tiêu thả phanh cho Tết. Bởi câu hỏi này còn thiếu rất nhiều yếu tố để xác định cũng như phụ thuộc vào tình hình tài chính cá nhân của bạn và gia đình.

Ở góc độ quản lý tài chính cá nhân, việc lập kế hoạch tài chính cụ thể, khoanh vùng các khoản thu - chi trong dịp này sẽ là yếu tố quan trọng để tận hưởng một kỳ nghỉ thoải mái, trọn vẹn và phù hợp nhất.

Trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), bà Nguyễn Thùy Chi - Chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - gợi ý phương pháp 50/30/20. Tỉ lệ này nên được điều chỉnh để phù hợp với mức thu nhập và tình hình của mỗi gia đình. Theo đó, việc đầu tiên cần làm sau khi nhận lương là tiết kiệm, sau đó mới phân bổ sang các quỹ khác. 

  Phương pháp quản lý tài chính thông minh 50/30/20. Đồ hoạ: Liêm Võ

Tổng thu nhập 30 triệu đồng/tháng tiêu Tết như nào thì hợp lý?

Xét ví dụ gia đình anh Duy Phong 35 tuổi, con trai 6 tuổi. Tổng thu nhập của anh chị là 30 triệu đồng/tháng.

Như vậy hàng tháng, tiết kiệm theo khuyến nghị 20% ở trên là 6 triệu đồng. Khoanh vùng hưởng thụ là 3 triệu đồng. Còn lại sẽ là thiết yếu khoảng 21 triệu đồng ví dụ như tiền chợ, tiền chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền học cho con, tiền đi lại…

- Tiền thuê nhà: 6 triệu đồng - Chi phí sinh hoạt: 2 triệu đồng - Tiền học cho con: 4 triệu đồng - Tiền BHNT: 2 triệu đồng - Tiền biếu bố mẹ: 1 triệu đồng - Tiền chợ: 4 triệu đồng - Tiền chi tiêu khác như chi phí đi lại: 2 triệu đồng

Giải trí/hưởng thụ là 3 triệu/tháng => 36 triệu đồng/năm bao gồm các khoản chi cho quỹ du lịch, quỹ mua sắm, tiệc tùng và những nhu cầu cá nhân khác. Hàng tháng dù không xài.

Sau khi phân tích như trên, bà Chi cho thấy phần tiền còn lại ở quỹ giải trí/hưởng thụ sẽ được sử dụng cho các chi tiêu trong dịp Tết. Phần tiền thưởng Tết cũng trích ra một phần tương tự, khoản dư thành nguồn sắm sửa và chi tiêu Tết.

Theo chuyên gia tài chính cá nhân, cân đối và có kế hoạch dài hạn gián tiếp hỗ trợ chúng ta có một mùa Tết thoải mái thay vì phải thắt chặt. Làm nhiều nhưng không thấy tiền vì chúng ta không có kế hoạch, không có quỹ cho các khoản chi phí phát sinh đặc biệt là phát sinh dịp lễ/Tết.

  Gợi ý chi tiêu với tổng thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Đồ hoạ: Liêm Võ

Bà Chi nhắn nhủ: "Quản lý tài chính thông minh là cách để chúng ta có được hạnh phúc tiền bạc. Mùa Tết là mùa để cùng nhìn lại và tận hưởng thành quả của một năm đã qua và đón chào năm mới. Vì vậy, hãy xác định phương pháp quản lý chi tiêu phù hợp và đừng để bản thân phải lo lắng quá nhiều khi đang dùng tiền do chính mình tạo ra".

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP FIDT - Đầu tư và quản lý gia sản. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn