MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài chính thông minh: Cái giá của việc “cách ly” con với tiền bạc

Đức Mạnh LDO | 28/07/2022 06:19

Không dạy con về tiền từ bây giờ, khi trưởng thành, trẻ sẽ mất thời gian lo lắng về tiền và thậm chí nhận những bài học đắt giá. Phụ huynh cần học cách nói chuyện với con về quản lý tài chính thông minh và trở thành tấm gương cho trẻ noi theo.

Nếu không dạy con về tiền, người khác sẽ thay bạn làm trong tương lai

Một nghiên cứu của Đại học Cambridge (Anh) cho thấy, trẻ em hình thành thói quen sử dụng tiền từ năm lên 7 tuổi. Đồng thời, chúng thường quan sát cha mẹ thực hiện các giao dịch sử dụng tiền.

Một nghiên cứu của hãng bảo hiểm Prudential chỉ ra 95% phụ huynh Châu Á thừa nhận dạy con về tiền là quan trọng, nhưng quá nửa số người được hỏi không tự tin rằng mình có đủ kiến thức dạy con.

Trong khi đó, cha mẹ lại là người đầu tiên giúp con cọ xát với tiền bạc thông qua mua sắm, tiết kiệm và du lịch trước khi chúng bước chân vào nhà trường. Cũng khó có thể giao phó trách nhiệm giáo dục tài chính của trẻ cho thầy cô vì hiện nay chưa được phổ biến. Vì vậy, cha mẹ chính là người đảm nhận vai trò quan trọng này.

Để xây dựng tương lai tốt đẹp cho con, cũng như giúp chúng tự xây dựng một tương lai tốt hơn, phụ huynh cần hướng trẻ đến những thói quen phù hợp về tài chính. Để có thể vun đắp điều đó, ta phải khắc sâu vào trí não con thái độ đúng đắn về tiền bạc.

Trong cuốn sách "Cha giàu, cha nghèo" nổi tiếng của Robert Kiyosaki có câu: "Nếu bạn không dạy con về tiền, ai đó sẽ thay thế bạn làm điều này trong tương lai. Đó có thể là chủ nợ, một kẻ trục lợi, cảnh sát hoặc một kẻ lừa đảo".

Phụ huynh nên dạy con về tiền bạc và quản lý tài chính thông minh từ sớm. Ảnh: Shutterstock

Cha mẹ cần làm gì?

Theo các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), ngay từ 3 tuổi chúng ta có thể dạy con nhận biết tiền. Từ 6 - 10 tuổi, cha mẹ sẽ dạy con về tiết kiệm, từ đó biết trân quý đồng tiền mình có. Cũng ở tuổi này, phụ huynh có thể dạy con kiếm tiền bằng phụ làm công việc nhà. Giai đoạn 11 - 15 tuổi, trẻ hiểu được sự khác biệt giữa cần - muốn và lập ngân sách, cân đối thu chi. Sang 16 - 18 tuổi, phụ huynh có thể hướng dẫn con đầu tư, hiểu được sức mạnh của lãi suất kép.

Tiền sẽ là một công cụ giáo dục hiệu quả nếu chúng ta biết sử dụng nó. Và quan trọng nhất, cha mẹ cần là tấm gương, là hình mẫu để trẻ học hỏi về tài chính. Nói chuyện với con là bước đầu tiên để dạy chúng về tiền bạc. Khi đó, trẻ cảm nhận được sự cởi mở và có thể đặt câu hỏi. Bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn để đưa vào trí óc chúng những bài học tài chính quan trọng.

Hãy cố gắng dạy con, tiền bạc cực kỳ quan trọng nhưng chỉ là phương tiện chứ không phải mục tiêu. Mục tiêu là những gì mà tiền đem lại cho cuộc sống, là hạnh phúc và là những giá trị con đóng góp cho cuộc đời.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chuỗi video được phát sóng đều đặn trên laodong.vn với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường Đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư. Độc giả/khán giả có thể xem thêm tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn