MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp cần thời gian nên bạn hãy cố gắng kiên trì. Ảnh: Việt Anh

Tài chính thông minh: Càng mắc nợ, càng nên tiết kiệm để phòng thân

Đức Mạnh LDO | 02/03/2023 07:19
Để quản lý tài chính thông minh, mỗi người nên có khoản tiết kiệm dự phòng khẩn cấp cho các loại rủi ro bất ngờ. Đặc biệt khi đang mắc nợ, quỹ này lại càng trở nên cần thiết.

Để quản lý tài chính thông minh, mỗi người nên có quỹ dự phòng khẩn cấp. Quỹ này sẽ chỉ được dùng khi bạn không còn giải pháp nào khác, trong những tình huống cấp bách như ốm đau, tai nạn, mất việc…

Quỹ dự phòng khẩn cấp phải có tính thanh khoản rất cao, có thể đổi ra tiền mặt từ ít nhất 3 - 7 ngày. Do đó bạn nên để dưới dạng tiền mặt (gửi tiết kiệm không kỳ hạn hay kỳ hạn ngắn) hoặc tương đương như ngoại tệ mạnh hay vàng.

Theo các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), nếu bạn gặp ít rủi ro trong cuộc sống thì quỹ khẩn cấp nên để ra từ 3 - 4 tháng chi tiêu.

Cụ thể: bạn có sức khoẻ và lối sống lành mạnh; không có nợ, sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt thấp; chỉ thuê ôtô hoặc ôtô còn mới; có một công việc khó bị thay thế; không có người phụ thuộc; có người thân giàu có sẵn sàng chu cấp khi mình cần.

Ngược lại, bạn cần tiết kiệm ít nhất 6 tháng chi tiêu vào quỹ khẩn cấp nếu: sống ở khu vực có chi phí sinh hoạt cao; có nợ trả góp hàng tháng; thu nhập không ổn định; có người phụ thuộc, gia đình chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất; là người thể trạng yếu, ốm bệnh hoặc có bệnh mãn tính, hay tham gia hoạt động mạo hiểm; không có bạn bè, bố mẹ có thể chu cấp khi cần.

Ví dụ, hiện tại tổng thu nhập là 20 triệu đồng/tháng. Áp dụng nguyên tắc 50/20/30, số tiền chi tiêu hàng tháng rơi vào khoảng 10 triệu đồng. Do đó, bạn nên lên kế hoạch để có một quỹ dự phòng khẩn cấp khoảng 30 - 60 triệu đồng bên cạnh các quỹ khác (tiết kiệm, đầu tư...).

Để quản lý tài chính thông minh, mỗi người nên có khoản tiết kiệm dự phòng khẩn cấp cho các loại rủi ro bất ngờ. Ảnh: Trà My 

Xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp cần thời gian nên hãy cố gắng kiên trì. Bạn có thể áp dụng 4 bước sau để có thể tiết kiệm thành công quỹ này: 

Bước 1: Tính toán chi tiêu hàng tháng

Bước 2: Lên số tiền mục tiêu cho quỹ dự phòng

Bước 3: Mở tài khoản riêng cho quỹ dự phòng. Lưu ý nên tách biệt quỹ này với các quỹ khác.

Bước 4: Bắt đầu với những khoản tiết kiệm nhỏ đều đặn ngay sau khi nhận lương hàng tháng. Nếu bạn đang trả nợ, hãy cố gắng trích một phần nhỏ hơn để đều đặn tiết kiệm vào quỹ này. Bởi khi vướng nợ, quỹ dự phòng lại càng trở nên cần thiết.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP FIDT - Đầu tư và quản lý gia sản. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn