MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Biểu lãi suất chào bán của nhiều trái phiếu hiện nay được các đơn vị phân phối cấu trúc giống hệt tiền gửi khiến không ít nhà đầu tư hiểu lầm. Ảnh: Đức Mạnh

Tài chính thông minh: Muốn đầu tư trái phiếu, không nên bỏ qua 3 điều sau

Đức Mạnh LDO | 22/03/2023 09:53

Trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc khối tài chính cá nhân tại FIDT - đã chỉ ra 3 điều cơ bản nhà đầu tư cần nắm rõ khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp.

1. Trái phiếu khác tiền gửi ngân hàng

Trước tiên, nhà đầu tư cần hiểu rủi ro phá sản của doanh nghiệp cao hơn ngân hàng khá nhiều. Ngân hàng là trụ cột của nền kinh tế, các hoạt động của ngân hàng sẽ có sự kiểm soát rủi ro chặt chẽ hơn doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc để hỗ trợ cho một ngân hàng thương mại trong trường hợp khó khăn về thanh khoản ngắn hạn để bảo đảm an toàn và niềm tin của cả hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên sẽ khó có lý do đủ mạnh để Ngân hàng Nhà nước phải làm như vậy đối với trường hợp một doanh nghiệp gặp khó khăn tương tự.

Ngoài ra, rủi ro thanh khoản của trái phiếu cao hơn tiền gửi. Biểu lãi suất chào bán của nhiều trái phiếu hiện nay được các đơn vị phân phối cấu trúc giống hệt tiền gửi (cũng có kỳ hạn 1, 2, 3, 6, 12... tháng với lãi suất vượt trội hơn so với lãi suất ngân hàng). Điều này làm cho hiểu lầm của người gửi đối với tiền gửi và trái phiếu là tất yếu.  

Khác với tiền gửi, khi đầu tư trái phiếu (kể cả có kèm theo cam kết được bán lại với biểu lãi suất xác định trước), vẫn có rủi ro nhà đầu tư sẽ không không bán được trái phiếu hoặc không nhận được mức lãi như đã ghi trong cam kết. Bởi công việc kinh doanh của doanh nghiệp thường sẽ chịu rất nhiều rủi ro khác nhau của thị trường và nội tại của doanh nghiệp.

Ông Ngô Thành Huấn chia sẻ về những lưu ý khi đầu tư trái phiếu trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn). Ảnh: Đức Mạnh 

2. Đơn vị bảo lãnh phát hành chưa chắc sẽ trả nợ thay

Theo ông Ngô Thành Huấn, trái phiếu doanh nghiệp khi mua tại ngân hàng thì rủi ro có thấp hơn hay không là một câu hỏi rất quen thuộc đối với những cá nhân khi đầu tư vào kênh này. Do đó nhà đầu tư cần nắm rõ các tiêu chí sau:

Một là bảo lãnh thanh toán. Bảo lãnh thanh toán có nghĩa là bên bảo lãnh (ngân hàng/công ty chứng khoán/bên thứ 3) sẽ thay mặt tổ chức phát hành trái phiếu (bên đi vay) đứng ra thanh toán các khoản gốc lãi nếu tổ chức phát hành không trả được cho nhà đầu tư trái phiếu. Tuy nhiên, hiện nay, gần như không có trái phiếu có ngân hàng bảo lãnh thanh toán được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân. Vậy nên nếu có một tư vấn bán hàng nào nói trái phiếu có bảo lãnh thì cần yêu cầu họ đưa ra chứng thư bảo lãnh để xem xét kỹ điều kiện các điều kiện ghi trong đó.

Hai là bảo lãnh phát hành. Bảo lãnh phát hành trái phiếu là việc bên bảo lãnh (ngân hàng hoặc công ty chứng khoán) đứng ra cam kết với doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp phát hành thành công một khối lượng trái phiếu nhất định. Nếu không thì bên bảo lãnh sẽ đứng ra mua hết phần trái phiếu không thu xếp hết để đảm bảo doanh nghiệp nhận được vốn như cam kết. Khi có vấn đề xảy ra với trái phiếu, nhà đầu tư cần tìm tổ chức để đòi nợ. Không có bảo đảm nào cho nhà đầu tư về việc sẽ nhận được gốc/lãi trái phiếu doanh nghiệp từ phía ngân hàng trong trường hợp này.

3. Đại lý quản lý tài sản bảo đảm không phải đơn vị trả nợ thay 

Nếu trái phiếu có tài sản bảo đảm, nhà đầu tư sẽ cần một tổ chức đứng ra nhận, giữ và xử lý tài sản bảo đảm khi tổ chức phát hành không trả được nợ. Đại lý quản lý tài sản bảo đảm có thể là ngân hàng hoặc công ty chứng khoán. Các công việc này sẽ được quy định cụ thể trong hồ sơ trái phiếu.

Ngân hàng/công ty chứng khoán chỉ có trách nhiệm liên đới với việc giám sát và xử lý tài sản bảo đảm chứ không có bất kỳ bảo đảm nào liên quan đến việc đứng ra trả nợ thay cho tổ chức phát hành. Nhà đầu tư vẫn là người chịu rủi ro trong trường hợp tổ chức phát hành không trả được nợ.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP FIDT - Đầu tư và quản lý gia sản. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn