MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
TS Trịnh Thị Phan Lan trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn).

Tài chính thông minh: Muốn nghỉ hưu sớm, đừng bỏ qua lưu ý sau

Đức Mạnh LDO | 02/07/2022 20:00
Tuổi thọ trung bình của người dân hiện nay vào khoảng trên 70 tuổi, có người sống lâu hơn. Để quản lý tài chính thông minh, mỗi người nên lập kế hoạch nghỉ hưu sớm nhất có thể, có thu nhập là có thể bắt đầu.

Nghỉ hưu có tốn kém không?

Chia sẻ trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), TS Trịnh Thị Phan Lan - Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho biết, lập kế hoạch nghỉ hưu sớm sẽ giúp chúng ta có thêm thời gian chuẩn bị và sẵn sàng cho những biến cố có thể xảy ra. 

"Kế hoạch sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của người đó hiện tại. Tuy nhiên, một gợi ý chung là bạn có thể áp dụng quy tắc 4%. Với quy tắc này, trước tiên chúng ta cần dự trù số tiền chi tiêu hàng năm", chuyên gia nói.

Theo chuyên gia tài chính cá nhân, nhu cầu tài chính khi về hưu của một người bằng khoảng 60 - 80% số tiền mà họ chi dùng khi còn trẻ. Giả sử hiện nay số tiền chi tiêu là 10 triệu đồng, khi về già bạn sẽ cần 6 - 8 triệu đồng/tháng. Ví dụ lấy trung bình 7 triệu đồng, tức là 84 triệu đồng/năm. Con số này chia cho 4% thì bạn sẽ cần tối thiểu cần 2,1 tỉ đồng cho tuổi già.

  Mức tiết kiệm tương ứng với độ tuổi chuẩn bị nghỉ hưu.

Bắt đầu tiết kiệm ngay từ hôm nay

Bà Phan Lan tư vấn: "Số tiền cần tiết kiệm bao giờ cũng được ưu tiên trước, các khoản chi tiêu sẽ được cân đối dựa trên phần tiền đã tiết kiệm. Nếu tài chính quá thấp, phần tiết kiệm quá lớn khiến cho chi tiêu không đảm bảo thì bạn cần kéo dài thời gian chuẩn bị hơn so với kế hoạch để cân bằng cuộc sống. 

Từ khoản tiết kiệm này, bạn có thể trích một phần mua bảo hiểm hưu trí từ các công ty bảo hiểm, kết hợp với bảo hiểm xã hội của Nhà nước nếu bạn có đóng bảo hiểm".

Phần còn lại mang đi đầu tư và nên chia theo tỉ lệ. Một phần sẽ dành cho đầu tư an toàn như gửi ngân hàng, mua trái phiếu, cổ phiếu. Phần khác để đầu tư mạo hiểm như chứng khoán ngắn hạn.

Bạn cũng có thể tiếp tục làm việc để có thêm thu nhập cho kế hoạch. Tuy nhiên, lúc này làm việc mang tính chất thoải mái và cống hiến. Bạn đi làm để không cảm thấy buồn chán khi nghỉ hưu và chỉ chọn công việc, thời gian hợp lý. 

Độc giả/khán giả có thể xem video Tài chính thông minh tại đường link sau.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và viện Friedrich Naumann Việt Nam (FNF). Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn