MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài chính thông minh: Nên dành 8% thu nhập hàng tháng cho bảo hiểm

Đức Mạnh LDO | 24/06/2022 19:17
 Nên dành bao nhiêu tiền cho bảo hiểm? Theo chuyên gia quản lý tài chính thông minh, đây là câu hỏi rất quan trọng mà các nhân viên tư vấn bảo hiểm không biết hoặc không nói cho bạn biết. Vì thế mà họ thường bán cho khách hàng những hợp đồng có giá trị cao hơn khả năng chi trả của khách.

Trở lại với chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), TS Trịnh Thị Phan Lan - Giảng viên khoa Tài chính Ngân hàng, trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội - nhấn mạnh việc kết hợp 3 bảo hiểm sau sẽ cho chúng ta sự bảo vệ toàn diện nên ai cũng cần.

Cụ thể, bảo hiểm y tế nên có hàng năm. Chúng ta có thể mua riêng bảo hiểm y tế hoặc mua bảo hiểm nhân thọ có tích hợp các bệnh hiểm nghèo. Bảo hiểm nhân thọ thì mua càng sớm càng tốt, khi đó chi phí sẽ thấp và thời gian bảo vệ dài hơn. Còn bảo hiểm hưu trí nên mua trước thời điểm nghỉ hưu từ 10-20 năm, nhưng cũng càng sớm càng tốt để có một tuổi già an toàn tài chính.

Bà Phan Lan cho biết: "Trên thực tế, người lao động làm việc tại cơ quan Nhà nước hay các doanh nghiệp đều được trích lập bảo hiểm để nhận lương hưu sau khi nghỉ hưu, cũng như có bảo hiểm y tế được thanh toán tới 80%. Tuy nhiên, nếu có điều kiện nên nghĩ tới mua thêm bảo hiểm này từ các công ty bảo hiểm để có sự bảo vệ tốt hơn."

TS Trịnh Thị Phan Lan chia sẻ về tầm quan trọng của bảo hiểm trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn). Ảnh: Đức Mạnh 

Theo bà Lan, về cơ bản, nếu không tính tới tài sản thừa kế, chỉ tính thu nhập hiện tại thì phần tài chính dành cho bảo hiểm nên từ 3-8% thu nhập. Nếu có tài sản thừa kế thì tỉ lệ sẽ tính trên tổng tài sản, tức khoảng 1% mỗi năm.

"Xây dựng kế hoạch bảo hiểm là đặt trong kế hoạch tài chính cá nhân tổng thể. Trong tình huống mất thu nhập sẽ cơ cấu tài chính trên cả danh mục tài sản chứ không riêng gì bảo hiểm nhân thọ. Bởi vậy, ở nước ngoài, Financial Planner – tức người tư vấn tài chính rất quan trọng. Mặc dù chúng ta phải trả một khoản phí nhưng được lên kế hoạch chi tiết tài chính trong tương lai", bà Phan Lan đưa ra lời khuyên.

Độc giả/khán giả có thể xem video Tài chính thông minh tại đường link sau.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và viện Friedrich Naumann Việt Nam (FNF). Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn