MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài chính thông minh: Nghiện thẻ tín dụng, khả năng "cháy" túi tăng đến 18%

Đức Mạnh LDO | 04/05/2022 19:12
Nghiên cứu chỉ ra một người có xu hướng tiêu nhiều hơn 12% - 18% khi sử dụng thẻ tín dụng thay vì tiền mặt. Theo chuyên gia từ chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn), sự tiện lợi của quẹt thẻ và không có những "khoảng nghỉ" khi mua sắm là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.

Nợ nần trở thành câu chuyện thường ngày tại nước Mỹ. Viện Pew cho biết 69% số người được hỏi thừa nhận tín dụng là điều tất yếu trong cuộc sống dù họ không hề ưa chúng. Thậm chí 68% cho biết những khoản vay và thẻ tín dụng đã cho họ thêm nhiều cơ hội trong cuộc sống.

Lạm dụng thẻ tín dụng và chi tiêu không có kế hoạch đang dẫn đến tình trạng phổ biến trong giới trẻ Mỹ là không có tiền tiết kiệm. Họ không có đủ tài chính để trang trải cho những tài sản lớn như bất động sản khiến tỉ lệ thanh thiếu niên sống cùng cha mẹ ngày một tăng cao. 

Không riêng Mỹ, theo thống kê của chương trình Undercover Asia, chỉ số nợ của hộ gia đình theo thu nhập bình quân đầu người tại Hàn Quốc cao nhất Châu Á. Hầu hết nợ của các hộ gia đình Hàn Quốc liên quan đến những khoản vay sinh viên, mua xe, thế chấp nhà, vay kinh doanh nhỏ và nợ thẻ tín dụng. Đáng chú ý, ngày càng nhiều người trẻ ở độ tuổi 20 ở nước này lâm vào cảnh nợ nần vì vay tín dụng nhằm thỏa mãn đam mê trò chơi điện tử, cờ bạc, mua sắm trực tuyến... 

Năm 2019, ước tính trung bình mỗi người Hàn Quốc có khoảng 4 thẻ tín dụng. Trong đó, việc sử dụng thẻ tín dụng chiếm khoảng 70% chi tiêu cá nhân. Với mức tăng 18,5%, khách hàng dưới 29 tuổi là nhóm có tỉ lệ tăng trưởng nợ cao nhất trong các nhóm nhân khẩu học.

Theo nghiên cứu của công ty cung cấp dữ liệu Dun&Bradstreet, một người có xu hướng tiêu nhiều hơn 12% - 18% khi sử dụng thẻ tín dụng thay vì tiền mặt. Ngân hàng Dự trữ Liên bang Boston cũng phát hiện ra sự chênh lệch thậm chí còn rõ nét hơn giữa các giao dịch tiền mặt và không dùng tiền mặt. Báo cáo năm 2016 của ngân hàng này chỉ ra giá trị trung bình của một giao dịch không dùng tiền mặt là 112 USD, chênh tới 509% với mức 22 USD khi thanh toán bằng tiền mặt.

Ths Phạm Thế Thành trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn). Ảnh: Đức Mạnh

Theo Ths Phạm Thế Thành - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngoài sự tiện lợi của thanh toán quẹt thẻ, người tiêu dùng còn không có những “khoảng nghỉ” để cân nhắc quyết định mua cũng như di chuyển tới nơi bán sản phẩm, tìm hiểu thông tin, chuẩn bị tiền mặt để thanh toán... nên dễ rơi vào vòng xoáy nợ nần. Thói quen chi tiêu vượt quá thu nhập cũng từ đó âm thầm hình thành.

Lưu ý gì để không trở thành "con nghiện" của thẻ tín dụng? Ths Phạm Thế Thành sẽ trả lời chi tiết câu hỏi này trong chương trình Tài chính thông minh số tiếp theo.

Số 13 với chủ đề ""Hoãn sung sướng" khi quẹt thẻ tín dụng" sẽ được phát sóng trên laodong.vn vào 19h ngày mai (5.5). Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và viện Friedrich Naumann Việt Nam (FNF).

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được đăng tải trên laodong.vn vào 19h tối thứ Năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia đến từ nhiều trường đại học, tổ chức tài chính uy tín… cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn