MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ: Shutterstock

Tài chính thông minh: Nhiều tiền có mua được hạnh phúc?

Đức Mạnh LDO | 18/03/2022 19:00

Tiền và hạnh phúc có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Theo chuyên gia từ chương trình Tài chính thông minh, mỗi người cần biết dùng tiền để mua hạnh phúc chứ đừng để hạnh phúc phụ thuộc vào tiền.

Mức lương giới hạn mức độ hạnh phúc

Mỹ là nền kinh tế số một thế giới nhưng chỉ xếp thứ 19 trong danh sách các quốc gia hạnh phúc nhất. Luxembourg là quốc gia có thu nhập đầu người thuộc top đầu toàn cầu nhưng lại nằm ở vị trí số 8 trong danh sách này.

Các quốc gia cực kỳ nghèo khó ở Châu Phi thường có điểm thấp ở nhiều hạng mục kinh tế nhưng không quốc gia nào có mức độ hạnh phúc thấp nhất.

Tuy không nằm trong top 10 quốc gia dẫn đầu, Việt Nam đã thăng từ hạng 83 lên 79 trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2021.

Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2021. Ảnh chụp màn hình  

Một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania (Mỹ) vào năm 2020, chỉ ra mối liên hệ tích cực giữa mức thu nhập và sự hài lòng về cuộc sống của mỗi cá nhân. Người có thu nhập 80.000 USD/năm đạt trạng thái hạnh phúc nhất. Nhưng nếu quá con số này, mức độ hạnh phúc lại giảm.

Tiền bạc giúp họ làm chủ cuộc sống tốt hơn và có thể tự do lựa chọn cuộc sống mà mình mong muốn hơn so với người phải chạy ăn từng bữa.

Tuy nhiên, mối liên hệ giữa tiền và hạnh phúc trở nên yếu đi khi mức thu nhập này vượt qua một ngưỡng nhất định. Những người kiếm được nhiều tiền hơn có ít thời gian và gặp nhiều áp lực trong cuộc sống hơn. Kết quả là đến một thời điểm nào đó, họ trở nên kém hạnh phúc.

Điều này đã minh chứng cho lời nhận định của Dan Gilbert - Giáo sư Tâm lý học ở Đại học Harvard (Mỹ), tác giả của cuốn “Vấp ngã khi hạnh phúc”. Theo đó, một khi những nhu cầu cơ bản của con người được đáp ứng, nhiều tiền hơn cũng không tạo ra nhiều hạnh phúc hơn.

Tiêu tiền như nào mới mua được hạnh phúc?

Suy cho cùng tiền chỉ là công cụ để trao đổi hàng hoá và dịch vụ trong nền kinh tế. Chuyên gia từ chương trình Tài chính thông minh đã chỉ ra 3 cách để dùng tiền mua được hạnh phúc.

Đầu tiên là mua trải nghiệm. Theo khảo sát của Đại học British Columbia (Mỹ), hơn 80% người dưới 30 tuổi cho biết, họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi mua trải nghiệm như du lịch, buổi hòa nhạc, ăn nhà hàng... hơn là từ việc mua sắm vật chất, chẳng hạn như đồ dùng hoặc quần áo.

Tuy nhiên, chúng ta lại thường dễ bị cuốn vào xu hướng mua đồ dùng vật chất, một phần vì chúng quá dễ so sánh. Ví dụ như nhiều người liên tục lên đời iPhone vì thấy bạn bè đều có, trong khi điện thoại đang dùng vẫn tốt.

Tiếp theo là mua thời gian. Tiến sĩ Ashley Whillans, Trường Kinh doanh Harvard (Mỹ) cho biết: “Với những người thuê giúp việc hay làm vườn, chúng ta nghĩ rằng họ làm biếng. Nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, việc mua thời gian có lợi ích tương tự cho hạnh phúc, giống như bạn có nhiều tiền hơn”.

Tuy nhiên rất ít người làm điều này trong khi họ vẫn có khả năng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những người hưởng lợi từ việc mua sắm tiết kiệm thời gian có xu hướng tận hưởng những trải nghiệm thú vị hơn người khác.

Cuối cùng là mua cho người khác. Các nghiên cứu đã cho rằng, việc giúp đỡ người khác có tác động tích cực đến não bộ, giúp người đó ngập tràn hạnh phúc và cảm giác được biết ơn. Những tác động này giống như khi bạn ôm một người thân yêu.

Nhưng không phải cứ cho đi là luôn khiến mọi người hạnh phúc. Điều quan trọng nằm ở cách bạn cho đi như thế nào và tại sao, đừng ép buộc bản thân mà hãy hành động khi thật sự muốn.

Theo chuyên gia từ chương trình Tài chính thông minh, tiền bạc cực kỳ quan trọng nhưng chỉ là phương tiện, không phải mục tiêu. Mục tiêu là những gì tiền đem lại cho cuộc sống của cá nhân đó, là hạnh phúc và là những giá trị đóng góp cho cuộc đời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn