MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Bùi Ngọc Quang Phục - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - trong chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn). Ảnh: Đức Mạnh

Tài chính thông minh: Sẵn sàng phương án dự bị khi đang trả nợ mà mất việc

Đức Mạnh LDO | 11/02/2023 13:10

Đây là một trong 5 tiêu chí trong vay nợ mà chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân Bùi Ngọc Quang Phục chia sẻ. Vay nợ không hề đáng sợ như bạn tưởng nếu có phương pháp quản lý tài chính thông minh.

Một độc giả gửi thư về chương trình Tài chính thông minh (laodong.vn) với trăn trở như sau:

"Tôi năm nay 30 tuổi và là phó phòng kế toán tại một doanh nghiệp. Tôi có một khoản vay thế chấp 1 tỉ đồng thời hạn 10 năm. Do chính sách cắt giảm nhân sự buộc tôi phải chuyển sang công việc mới với mức lương chỉ bằng 80% mức lương cũ. Áp lực thanh toán đang ngày càng đè nặng khi khoản vay đã hết thời gian ưu đãi lãi suất với mức lãi thả nổi ngày càng cao. Xin chuyên gia tư vấn giải pháp để thoát khỏi áp lực nợ nần".

Vay nợ không đáng sợ như nhiều người tưởng

Sau khi đã xem xét kỹ tình huống, ông Bùi Ngọc Quang Phục - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - chỉ ra 3 vấn đề anh An đang gặp phải: chưa tối ưu hoá khoản vay, chưa chọn ngân hàng phù hợp và chưa có phương án dự phòng để xử lý nợ vay khi mất thu nhập.

Chuyên gia cho biết: "Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp tương tự như anh An dẫn đến những áp lực tài chính không đáng có từ các khoản vay. Thật ra việc đi vay không đáng sợ như bạn tưởng! Đứng trước quyết định đi vay, chúng ta cần xem xét kỹ 5 tiêu chí sau".

Tiêu chí thứ nhất là xác định nhu cầu vốn vay gồm số tiền cần vay, mục đích, thời gian vay và tài sản đảm bảo (nếu có) để lựa chọn sản phẩm vay phù hợp. Hiện tại có hai sản phẩm vay chính từ các ngân hàng bao gồm vay tín chấp (không có tài sản đảm bảo) và vay thế chấp (có tài sản đảm bảo). Bên cạnh đó, vay thấu chi cũng là một sản phẩm vay phổ biến hiện nay để phục vụ cho nhu cầu vốn ngắn hạn dựa trên việc cầm cố tài khoản tiết kiệm của khách hàng mà không cần phải rút trước hạn. 

Tiêu chí thứ hai là vị thế tài chính của người đi vay. Chúng ta cần đánh giá tính ổn định của dòng thu nhập hiện tại và trong tương lai gần để hỗ trợ chi phí vay hàng tháng. Đồng thời tính thanh khoản của các tài sản khác đang có cũng nên được  xem xét, phòng khi cần bán để trả khoản vay.

Tiêu chí thứ ba là tìm hiểu chi tiết về nội dung của gói vay bao gồm: giá trị khoản vay, lãi suất vay, thời hạn ưu đãi, cách thức tính lãi, cơ cấu ân hạn nợ gốc, phí tất toán trước hạn... Điều này giúp người vay chủ động hơn trong việc tính toán bước đầu, dễ dàng quản lý, xử lý khoản vay trong trường hợp không kỳ vọng và thậm chí có thể kết hợp các khoản vay nhằm tối ưu hóa lợi thế lãi suất tạo nên đòn bẩy tài chính hiệu quả. 

Hiệu quả sử dụng vốn vay là tiêu chí thứ tư. Các khoản vốn vay dùng để đầu tư nên được xem xét kỹ về hiệu suất sinh lợi của kênh hoặc tài sản đầu tư nhằm lựa chọn số tiền vay phù hợp. Hiểu đơn giản là tổng các chi phí cho khoản vay phải thấp hơn khả năng sinh lời tối thiểu của tài sản đầu tư.

Tiêu chí cuối cùng là phương án dự phòng khi biến động tài chính tiêu cực như mất hay giảm thu nhập.

  4 bước để giải quyết áp lực nợ nần. Đồ hoạ: Liêm Võ

4 bước để xử lý khoản nợ 1 tỉ đồng

Để quản lý tài chính thông minh và giải quyết khoản nợ này, chuyên gia Bùi Ngọc Quang Phục đưa ra 4 bước đơn giản sau:

Một là khoản quỹ dự phòng là điều cần thiết để hỗ trợ tạm thời chi phí vay. 

Hai là anh An có thể tận dụng sự hỗ trợ vốn ngắn hạn của gia đình, bạn bè.

Ba là việc tái cơ cấu khoản vay để chuyển sang gói vay thế chấp mới có mức lãi suất tốt hơn và thời gian vay dài hơn. Đây là điều nên làm để giảm đi áp lực thanh toán hiện tại, cũng như chủ động thương lượng với ngân hàng cho vay để thực hiện tái cơ cấu.

Bốn là có thể xem xét thanh lý tài sản.

Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan tới quản lý tài chính cá nhân và đầu tư, đừng ngần ngại gửi câu hỏi tới các chuyên gia của chương trình Tài chính thông minh bằng cách bình luận ngay dưới bài viết!

Chương trình Tài chính thông minh được phối hợp thực hiện bởi Báo Lao Động và CTCP FIDT - Đầu tư và quản lý gia sản. Chuỗi video được phát sóng vào 19h tối thứ năm hàng tuần với sự tham gia của các chuyên gia tài chính uy tín hàng đầu cùng chia sẻ những kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và đầu tư tới độc giả/khán giả!

Xem thêm các tin bài của chương trình Tài chính thông minh tại đây.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn