MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chăn nuôi lợn đang phát triển theo hướng tập trung, an toàn sinh học. Ảnh: Q.Giao

Tái cơ cấu để ngành chăn nuôi đủ sức ứng phó với “bão” giá nguyên liệu

Vũ Long LDO | 18/03/2022 19:24

Trước sức tăng “dựng đứng” và chưa có dấu hiệu ngừng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ngành chăn nuôi lợn đang nỗ lực cơ cấu lại.

Chăn nuôi lợn bị nhấn chìm trong "bão" giá thức ăn gia súc

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), cho hay: Tại Việt Nam, hiện nay tỉ trọng thức ăn chăn nuôi công nghiệp (thức ăn được sản xuất tại các cơ sở có dây chuyền, thiết bị công nghiệp) chiếm khoảng 70% tổng nhu cầu thức ăn của toàn ngành chăn nuôi, số còn lại (khoảng 30%) là do người chăn nuôi tận dụng từ nguồn nguyên liệu thức ăn sẵn có hoặc mua nguyên liệu về tự phối trộn.

Để sản xuất lượng thức ăn chăn nuôi, mỗi năm cả nước cần trên 33 triệu tấn nguyên liệu, nhưng trong nước chỉ cung cấp được khoảng 13 triệu tấn (khoảng 40%), số còn lại 22,3 triệu tấn là nguyên liệu nhập khẩu.

Từ năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục lập “đỉnh” và đặc biệt từ năm 2021 đến nay, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã bị tác động bởi chi phí logistics, nguồn nguyên liệu khan hiếm… đẩy giá nguyên liệu lên cao, đã ảnh hưởng rất lớn đến ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.

Trong năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tại nước ta đã tăng 18-22%. Mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý (từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, nhiều hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ, nhiều gia hộ chán nản bỏ chuồng.

Nguyên liệu nhập khẩu tăng đã đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng. Ảnh: Vũ Long

Dẫn số liệu thống kê, ông Tống Xuân Chinh thông tin, so với cùng kỳ năm trước (tháng 3.2021), hầu hết các loại nguyên liệu thức ăn chăn đã tăng trong  tháng 3.2022, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm ngũ cốc: Ngô hạt 10.200 đồng/kg (tăng 29,3%), khô dầu đậu tương 16.500 đồng/kg (tăng 33,4%), lúa mì: 9.850 đồng/kg (tăng 49,5%)…

“Từ cuối tháng 2.2022 đến nay, tiếp tục chứng kiến sự tăng kỷ lục giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường quốc tế, đặc biệt đợt tăng giá mới đây chủ yếu là do hậu quả của xung đột giữa Nga – Ukraina, gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng”- ông Tống Xuân Chinh nhấn mạnh.

Dự kiến giá nguyên liệu vẫn tăng đến hết năm 2022. Hiện nay, giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8.2022 như sau: Giá ngô khoảng 11.000 đồng/kg; khô dầu, đậu tương: Trên 17.000 đồng/kg.

Do giá nguyên liệu tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi công nghiệp thành phẩm cũng tăng theo. Hiện giá thức ăn cho lợn thịt xuất chuồng 12.500 đồng/kg; thức ăn cho gà thịt lông màu 13.400 đồng/kg; thức ăn cho gà thịt lông trắng 14.100đồng/kg.

Tính cơ cấu, giá thức ăn chiếm 60-70% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Nhiều chủ trang trại chăn nuôi cho biết, với đà tăng này, nhiều trang trại không thể cầm cự lâu dài, cần tìm giải pháp dùng các nguyên liệu bổ sung từ nội tại ngành nông nghiệp như rơm, rạ, rau màu, gạo, cám...

Chăn nuôi lợn chuyển hướng để phát triển

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, chăn nuôi lợn đang được hiện đại hóa và đang đi đúng hướng, chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn.

Trong 5 năm vừa qua, tỉ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2021, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đạt chiếm 50-60%.

Đặc biệt, năm 2021 tổng đàn lợn thuộc 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn quy mô lớn, đạt 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn. Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát... và các doanh nghiệp nước ngoài như C.P, Jafa comfeed, Newhope, CJ, Emivest, Cargill... đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. 

"Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Chính phủ cũng rất quan tâm, tạo cơ chế chính sách để ngành chăn nuôi phát triển. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21.1.2020 của Chính phủ Hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi để phục vụ công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi. Cùng với đó, đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 6.10.2020.

"Chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi hộ có quy mô lớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi" - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn