MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân ngành điện đã kiểm tra vận hành lưới điện. Ảnh: P.V

Tái cơ cấu EVN: Sắp xếp để cạnh tranh lành mạnh

Khánh Linh LDO | 19/06/2017 10:57
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giai đoạn 2017 - 2020. Về phần mình các chuyên gia cho rằng, các phương án đưa ra tương đối hợp lý song cần tính toán, sắp xếp bộ máy để cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp khác trên thị trường bán lẻ điện cạnh tranh bắt đầu từ năm 2021 và chính thức từ năm 2023.

Tái cơ cấu phù hợp thị trường điện cạnh tranh

Theo đề án, Cty mẹ EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Một số đơn vị giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu công ty mẹ, là Cty Thủy điện Sơn La, Cty Thuỷ điện Hoà Bình, Cty Thuỷ điện Ialy, Cty Thuỷ điện Trị An, Cty Phát triển Thủy điện Sê San, Cty Thuỷ điện Huội Quảng - Bản Chát… Riêng Cty Thuỷ điện Tuyên Quang đang được Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và EVN nghiên cứu phương án cổ phần hóa (CPH), trong đó Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ là: TCty Truyền tải điện Quốc gia, TCty Điện lực miền Bắc, TCty Điện lực miền Trung, TCty Điện lực miền Nam, TCty Điện lực TP.Hà Nội, TCty Điện lực TPHCM.

Ông Đinh Quang Tri - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam - cho biết, theo Quyết định 168, trong giai đoạn 2016-2020, cả 5 Tổng công ty Điện lực tiếp tục duy trì mô hình tổ chức theo hình thức Công ty TNHH MTV do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ; thực hiện tách bạch chi phí phân phối điện và bán lẻ điện của Tổng công ty Điện lực.

Theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, lĩnh vực quản lý lưới điện phân phối sẽ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; lĩnh vực kinh doanh bán lẻ điện sẽ được CPH phù hợp với lộ trình hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực.

Ông Tri cho biết, theo lộ trình phát triển thị trường điện (Quyết định 63/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), khâu kinh doanh bán lẻ điện sẽ được tách ra khỏi khâu phân phối điện khi triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, bắt đầu từ năm 2021. Khi đó, các đơn vị kinh doanh bán lẻ điện sẽ cạnh tranh với nhau và với các Cty cổ phần tư nhân khác bán điện cho khách hàng. Như vậy, theo lộ trình phát triển các cấp độ thị trường điện lực, khâu kinh doanh bán lẻ điện sẽ được tách ra và CPH vào giai đoạn sau năm 2020.

Cần thời gian để đánh giá hiệu quả

Theo đề án tái cơ cấu, riêng Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ chuyển thành Công ty TNHH MTV trong giai đoạn 2019-2020. Chỉ có 2 doanh nghiệp do EVN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 và Cty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2.

Bên cạnh đó, EVN sẽ CPH các TCty Phát điện (GENCO) 1, 2, 3. EVN cũng sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại các doanh nghiệp là Cty Tài chính cổ phần Điện lực, Cty cổ phần Cơ điện Thủ Đức, Tổng Cty Thiết bị điện Đông Anh - Cty cổ phần, Cty cổ phần Phong điện Thuận Bình, Cty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3, Cty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Phạm Tất Thắng - nghiên cứu viên cao cấp (Bộ Công Thương) - đánh giá, chủ trương đặt các TCty, Tập đoàn vào trong một môi trường cạnh tranh và hoạt động theo cơ chế thị trường là đúng đắn. Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn của EVN chưa triệt để như mong muốn, tuy nhiên đây là trợ lực để EVN hoạt động theo cơ chế thị trường, song cần thêm thời gian.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, rất khó để đánh giá hiệu quả của đề án tái cơ cấu bởi còn quá sớm, tuy nhiên tiến độ thực hiện CPH còn chậm. Dưới góc độ cá nhân, ông Long cho rằng, theo tính toán hiện nay các phương án sắp xếp, tái cơ cấu đưa ra tương đối hợp lý. Nếu EVN không nắm giữ 100% vốn điều lệ tại 5 tập đoàn lớn sẽ ảnh hưởng đến công suất nguồn phát ra, nên đây là động thái cần thiết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn