MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tại sao doanh nghiệp Việt hay bị kiện phòng vệ thương mại?

Trang Mạc LDO | 27/10/2020 14:09
“Các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng dính vào những vụ việc phòng vệ thương mại quốc tế nhiều hơn”, đó là nhận định của ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương.

Ngày 27.10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Phòng vệ Thương mại: Công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập” để giúp các doanh nghiệp, hiệp hội tìm hiểu, tham gia ý kiến ngay từ đầu các khung khổ chính sách pháp luật mới về PVTM ở Việt Nam, đồng thời được hướng dẫn các kỹ năng cơ bản để sử dụng công cụ PVTM.

Toàn cảnh buổi hội thảo sáng 27.10. Ảnh: Trang Mạc

Với 13 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) có hiệu lực, mà gần đây nhất là FTA với EU (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA.

Điều này giúp thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn.

Tuy vậy, hiện tượng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài cũng xuất hiện, có khả năng gây thiệt hại đáng kể và đe dọa tới lợi ích trong lâu dài của một số ngành sản xuất trong nước.

Phòng vệ thương mại – bao gồm biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh này.

Tuy nhiên, chưa nhiều doanh nghiệp, hiệp hội biết về các chính sách, pháp luật PVTM hay có kỹ năng sử dụng hiệu quả công cụ này.

Hội thảo được chia làm 2 phiên thảo luận. Ở phiên thảo luận thứ nhất, nội dung chính được phân tích là cải thiện khung khổ chính sách, pháp luật về PVTM nội địa.

Bà Phạm Châu Giang - đại diện Cục PVTM, Bộ Công Thương đã giới thiệu về khung khổ chính sách – pháp luật mới cho PVTM nội địa từ Cơ quan soạn thảo. Sau đó, bà cùng với các đại biểu tham dự cũng đã bình luận về đề án nâng cao năng lực PVTM và Thông tư hướng dẫn PVTM thực thi EVFTA từ góc độ doanh nghiệp.

Ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương chia sẻ: “PVTM là một biện pháp tồn tại trong thương mại quốc tế rất lâu.

Chúng ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc có khả năng dính vào những vụ việc PVTM quốc tế nhiều hơn".

Các đại biểu đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cùng đại diện các doanh nghiệp thảo luận về đề án mới. Ảnh: Trang Mạc

Trong phiên thảo luận thứ hai, nội dung chính được đưa ra bàn luận là việc cải thiện năng lực sử dụng công cụ PVTM trong thực tế, đặc biệt là những điều doanh nghiệp cần biết để bảo đảm lợi ích trong những vụ kiện PVTM.

Kết thúc buổi hội thảo, các vị đại biểu cùng các khách mời đều nhất trí rằng PVTM là công cụ có ý nghĩa to lớn đối với các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập. Các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ để doanh nghiệp Việt Nam không bị yếu thế trên chính sân chơi của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn