MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tại sao giá xăng tăng lên gần 33.000 đồng một lít?

Anh Tuấn LDO | 21/06/2022 17:14

Sở dĩ giá xăng tăng sát ngưỡng 33.000 đồng mỗi lít từ 15h chiều nay (21.6), theo lý giải của Liên bộ Công Thương - Tài chính, do thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu có xu hướng tăng.

Lý do giá xăng tăng

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 21.6 là 31.300 đồng một lít (tăng 190 đồng); RON 95-III là 32.870 đồng một lít (tăng 500 đồng). RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.

Sở dĩ giá xăng dầu đều tăng, theo lý giải của Liên bộ Công Thương - Tài chính, do thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu có xu hướng tăng.

Nguyên nhân bởi nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới tiếp tục bị hạn chế bởi việc cấm vận hàng từ Nga của Mỹ và các nước Châu Âu và ảnh hưởng do bất ổn chính trị tại Libya, gây gián đoạn hoạt động sản xuất; Mỹ ban bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran, sản xuất xăng dầu tại một số nước OPEC+ vẫn chưa đạt được mức hạn ngạch sản xuất của mình.

"Mặc dù nguồn cầu giảm nhẹ khi các ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc có xu hướng gia tăng, nhưng đã không giúp giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm", liên bộ cho hay.

Giá xăng dầu tăng mạnh từ chiều nay. Ảnh: Hải Nguyễn 

Ở thị trường trong nước, theo nhà điều hành, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong gần 10 ngày qua tiếp tục tăng, nhất là các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 13.6 và kỳ điều hành ngày 21.6 là 149,593 USD/thùng với xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92, tương đương tăng 0,316 USD/thùng so với kỳ trước; Còn xăng RON 95 là 156,210 USD/thùng, tăng 1,465 USD/thùng so với kỳ trước;

Do giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng tăng, nhất là dầu diesel và dầu hỏa có biến động tăng cao, do Quỹ bình ổn xăng dầu đang ở mức khá thấp, tại kỳ điều hành hôm nay, liên Bộ tiếp tục không trích lập 300 đồng mỗi lít vào Quỹ bình ổn với xăng, dầu diesel và dầu hoả. Riêng dầu mazut vẫn trích 300 đồng một kg vào Quỹ bình ổn.

Cùng đó, nhà điều hành tiếp tục chi sử dụng quỹ với dầu diesel, dầu hoả lần lượt ở mức 400 đồng và 300 đồng một lít.

Giảm Thuế bảo vệ môi trường chẳng thấm vào đâu

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức Thuế Bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn trong nước.

Theo đó, trước biến động mạnh của giá xăng dầu thế giới và trong nước, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 500-1.000 đồng/lít Thuế Bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu (tùy loại), với mục tiêu kìm đà tăng giá của mặt hàng thiết yếu này.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hiện nay các hoạt động kinh tế - xã hội đã chuyển về trạng thái như trước khi xảy ra dịch CoVID-19. Do đó, dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm nay sẽ tương đương thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh là năm 2019.

Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7 và có hiệu lực từ ngày 1.8 tới thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước (đã bao gồm cả phần giảm thuế VAT) là khoảng 7.000 tỉ đồng.

Theo các chuyên gia, trong tình hình hiện nay, việc giảm Thuế Bảo vệ môi trường không có mấy tác dụng với việc giảm chỉ số giá tiêu dùng và khó đạt được mục tiêu kìm chế lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Thuế nên miễn hoặc giảm đầu tiên phải là Thuế Tiêu thụ đặc biệt, sau đó là Thuế Nhập khẩu và cuối cùng là Thuế Bảo vệ môi trường.

"Bộ Tài chính cân nhắc giảm thêm thuế nhập khẩu và/hoặc tạm miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu.

Hiện tại, 1 lít RON95-III có giá bán lẻ hiện hành là 32.370 đồng/lít. Trong số này, người tiêu dùng phải trả 9.400 đồng cho 4 loại thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng - đều 10% và thuế BVMT).

Cộng thêm các chi phí kinh doanh, lợi nhuận và trích lập quỹ, tổng các loại thuế, phí đánh vào một lít xăng chiếm hơn 34%. Tức là, nếu mua 100.000 đồng tiền xăng, người tiêu dùng phải gánh hơn 34.000 đồng các loại thuế phí", TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn