MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng Quản lý thị trường phát hiện nhiều doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối Ảnh: Nguyễn Phong

Tại sao loạt doanh nghiệp xăng dầu bị thu hồi giấy phép?

Anh Tuấn LDO | 27/05/2024 17:41

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện của 4 thương nhân phân phối xăng dầu ở Hải Phòng, TPHCM, Hà Nội và Quảng Nam. Việc các doanh nghiệp xăng dầu sai phạm, bị xử lý trong thời gian qua cho thấy trên thị trường xăng dầu vẫn còn nhiều bất ổn, điều này đặt ra yêu cầu sớm sửa đổi các cơ chế chính sách để lành mạnh thị trường.

Các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu bao gồm Công ty TNHH Thương mại và Vận tải xăng dầu Minh Phát (TPHCM), Công ty TNHH Thương mại và Cung ứng Petrolink (Hà Nội), Công ty CP Thương mại và Dịch vụ vận tải Ngọc Khánh (Quảng Nam), Công ty TNHH Đức Hạnh (Hải Phòng).

Đây không phải là những doanh nghiệp hiếm hoi bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp phân phối xăng dầu đã bị cơ quan quản lý thị trường (QLTT) xử phạt vì nhiều hành vi vi phạm. Chẳng hạn, tại Phú Thọ, cơ quan chức năng đã xử phạt 70 triệu đồng đối với CTCP Sunseaco Việt Nam (huyện Tân Sơn) vì ký hợp đồng với đại lý bán lẻ xăng dầu không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Tương tự, Công ty TNHH Tấn Lộc Phú Thọ (huyện Tân Sơn) cũng bị xử phạt 50 triệu đồng vì kinh doanh xăng dầu mà không có Giấy phép kinh doanh xăng dầu (Giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu) theo quy định.

Tại Bạc Liêu, một doanh nghiệp tư nhân xăng dầu vừa bị phạt 15 triệu đồng vì không treo biển hiệu của thương nhân cung cấp xăng dầu cho cửa hàng là thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu.

Nói về lý do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thu hồi giấy phép, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, các hành vi vi phạm phổ biến gồm mua hoặc bán xăng dầu với đối tượng ngoài hệ thống phân phối theo quy định; ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân đó đang là đại lý của thương nhân đầu mối khác hoặc thương nhân phân phối xăng dầu khác hoặc tổng đại lý kinh doanh xăng dầu khác.

Qua thanh tra, lực lượng quản lý thị trường phát hiện nhiều doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối (cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc, cửa hàng bán lẻ xăng dầu của đại lý không đủ theo quy định): 17/64 đối tượng bị xử phạt, chiếm 26,5%.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, “nút thắt” nằm ở việc quy định các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối được quyền mua xăng dầu lẫn của nhau. Điều này đã khiến tổng nguồn được tạo ra không chuẩn xác, tạo ra tầng nấc mua qua bán lại, hưởng chênh lệch giá, chiết khấu.

Do vậy, khi sửa đổi nghị định về kinh doanh xăng dầu, tránh việc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lợi dụng kẽ hở chính sách để trục lợi, ông Thỏa cho rằng, phải căn cứ vào năng lực thực sự của doanh nghiệp, ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tăng trưởng nóng về số lượng nhưng yếu về chất. Ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong cấp phép; hình thành các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, năng lực quản trị và kinh doanh tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn