MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tài xế bị sang chấn tâm lý vì ăn ngủ trong cabin, "ngoáy mũi" quá nhiều

Cường Ngô LDO | 05/10/2021 14:20

Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). Theo đó, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, việc xét nghiệm quá nhiều khiến nhiều tài xế xe tải bị ám ảnh.

"Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, kinh tế Việt Nam khá ngược chiều với kinh tế thế giới", đó là khẳng định của TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh tại hội nghị Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (5.10).

Theo ông Võ Trí Thành, kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới đang hồi phục rất tốt, nhưng ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế quý III giảm 6,17%, chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ, xuất nhập khẩu cũng bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo ông Thành, trong quý III, có một chỉ số tương đối tốt, đó là chỉ số lạm phát khi chỉ số này thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhưng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế và cần tính đến độ trễ nhất định, thì chỉ số lạm phát sẽ có những áp lực trong năm sau.

Sự phục hồi của nền kinh tế sẽ phụ thuộc vào những yếu tố chính như kiểm soát dịch bệnh như thế nào, thay đổi chiến lược phòng chống dịch và chính sách tiền tệ ra sao.

"Thời gian qua, chúng ta sử dụng chính sách tiền tệ nhiều hơn chính sách tài khoá. Bởi chính sách tiền tệ tác động trực tiếp và lớn hơn chính sách tài khoá để hỗ trợ ngay cho người dân, doanh nghiệp", ông Thành nói.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phân tích: Để "cứu" chuỗi cung ứng trong nước, từ giờ đến cuối năm cần thực hiện các biện phát rất quan trọng đó là kích cầu nội địa. Việc kích cầu nội địa sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP, trong đó cần tập trung các giải pháp kết nối cung cầu - vùng nguyên liệu, khắc phục sự thiếu hụt về nhân lực.

Ông Trần Duy Đông điều phối tại hội nghị. Ảnh: V.T 

Cách phòng dịch còn thụ động

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả chiều cung và cầu. Cách phòng chống dịch còn thụ động tại một số địa phương cũng là một trong những lý do khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Ông Hải dẫn chứng, trong thời điểm dịch, khái niệm "luồng xanh" cho vận tải hàng hoá là không cần thiết, không có sự thống nhất giữa các địa phương. Trong đó, có địa phương khi phương tiện đi qua thì không cần dừng, nhưng có địa phương lại yêu cầu sang tải - dẫn đến phát sinh chi phí lớn.

Đồng thời, việc công nhận kết quả xét nghiệm cho các lái xe cũng có những bất cập. Theo đó, có nơi công nhận kết quả xét nghiệm trong vòng 72h, nhưng có nơi chỉ công nhận 48h.

Chính phủ cũng đã công nhận các kết quả xét nghiệm nói chung, song có nơi yêu cầu chỉ công nhận kết quả test PCR. Điều này đã tạo ra gánh nặng về xét nghiệm rất lớn, chưa kể gây bất ổn tâm lý cho người lao động.

Ông Trần Thanh Hải cho biết, trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhiều tài xế bị sang chấn tâm lý. Ảnh: V.T 

"Trong đợt dịch vừa qua, nhiều lao động sang chấn tâm lý khi thường xuyên phải xét nghiệm COVID-19. Tôi lấy ví dụ, hình ảnh một cabin xe tải có rất nhiều tem niêm phong. Tại sao vậy? Tại vì khi đi qua địa phận của một số địa phương là phải dán những tem như vậy và tài xế không được phép bóc tem ra.

Như vậy, toàn bộ mọi sinh hoạt của tài xế trong thời gian lưu thông trên địa bàn đó chỉ diễn ra trong cabin. Điều này đã tạo ra sức ép rất lớn về mặt tâm lý cho người lao động. Nhiều người chia sẻ "không muốn quay trở lại làm việc" vì vẫn còn ám ảnh việc này", ông Hải nói.

Theo ông Hải, để "cứu" chuỗi cung ứng, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp, linh hoạt thích ứng với những biến đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh vĩ mô và vi mô, tích cực tái cơ cấu bộ máy, tìm kiếm thị trường và nguồn cung ứng nguyên vật liệu mới, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn